Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần sẵn sàng cho cuộc chơi chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp trong nước đến nay vẫn chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của hầu hết các doanh nghiệp FDI toàn cầu.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Hàng loạt doanh nghệp tên tuổi trên thế giới đã thông báo tiếp tục mở rộng và duy trì hoạt động tại Việt Nam thời gian gần đây như Samsung, LG, Panasonic, Canon, Apple… Theo đại diện VASI, ngoài việc cần tập trung vào công nghệ, quy mô vốn, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần sẵn sang cho cuộc chơi toàn cầu.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp, trong ngành dệt may da giầy có 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước nhưng trong đó chỉ có 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI, 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường. Với lĩnh vực điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước và trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho các doanh nghiệp FDI, 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với ngành cơ khí, ô tô: 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa và cũng chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết này còn lỏng lẻo mà nguyên nhân chính là nội lực của ngành công nghiệp còn hạn chế.

Cùng với đó, việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật của các doanh nghiệp đã đầu tư vào cũng được nhắc đến nhiều nhưng thực tế hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang không đáp ứng được yêu cầu đề ra của việc chuyển giao công nghệ.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần sẵn sàng cho cuộc chơi chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử của Việt Nam chưa đặt được chân sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu. Ảnh: Như Ý

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, với các doanh nghiệp điện tử, việc liên kết theo chuỗi cung ứng là lĩnh vực có tính phức tạp và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam có khoảng 5 năm gần đây để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp công nghệ lớn như Samsung, Apple, Panasonic, Cannon… Đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia nhiều cấu phần của chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp nói trên.

Theo bà Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam thời gian qua đã các nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp điện tử lớn trên thế giới đặt vấn đề chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Hiệp hội cũng kết nối các doanh nghiệp trong nước làm việc với các doanh nghiệp điện tử lớn trên thế giới để thiết lập chuỗi sinh thái sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam và đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp trong nước nắm bắt các cơ hội để chuyển đổi và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, trước hết bản thân các doanh nghiệp phải thật sự chấp nhận cuộc chơi của các doanh nghiệp toàn cầu. Trong đó phải chuyển dịch sản xuất, thay đổi công nghệ để có được các giấy xác nhận trở thành nhà cung ứng của các ông lớn toàn cầu. Có ‘tấm hộ chiếu’ này, doanh nghiệp mới có thể chính thức bước vào cuộc cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp cung ứng khác trên toàn thế giới.

“Việc có Luật Phát triển công nghiệp sẽ giúp giúp giải toả những vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Doanh nghiệp Việt hiện đang gặp nhiều khó khan và những chính sách cởi trói cần tiếp tục được thực hiện để các doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp lớn”, bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, lĩnh vực công nghiệp điện tử kỳ vọng tiếp tục có mức tăng trưởng tốt trong năm 2023. Tuy nhiên, kỳ vọng đến mức nào sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của chính các doanh nghiệp công nghiệp điện tử trong nước trong nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nhân sự, công nghệ và tiềm lực tài chính của chính doanh nghệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Theo Hương, có thực tế, dù nhiều tập đoàn lớn đã vào Việt Nam, gần đây nhất là trường hợp Samsung thông báo tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam, theo bà Hương, phần đầu tư này chủ yếu là dành cho nghiên cứu phát triển (R&D) nên cũng không kỳ vọng nhiều về việc doanh nghiệp Việt có thể tham gia trong lĩnh vực này. Cùng với đó, có một phần sản xuất của Samsung sẽ được chuyển dịch sang nước ngoài nên đây cũng là thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng có cơ hội khi tham gia và trở thành nhà cung ứng của nhiều doanh nghiệp FDI khác.

“Ngoài ra”, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ mềm về tiếp cận tài chính từ Chính phủ cũng như các thủ tục hành chính về thuế, hải quan để làm sao không gặp rào cản, hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt”, bà Hương nói.

MỚI - NÓNG