Ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh cho biết, để đạt được con số 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đang tham gia chuỗi cung ứng, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử và cơ khí và chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh, Bắc Ninh đã phải trải qua một hành trình dài.
Theo ông Nam, cùng với sự quyết tâm, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề ra chiến lược với nhiều giai đoạn thực hiện để đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, từ năm 2015, Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 229 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ và trọng tâm vào 3 ngành chính: điện - điện tử, cơ khí chế tạo và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao. Tỉnh cũng định hướng lập, chuyển một số cụm công nghiệp thành cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc 3 ngành công nghiệp hỗ trợ nêu trên.
Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 295 nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.
Cùng đó, Bắc Ninh xây dựng chiến lược tăng cường thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp.
Để giúp doanh nghiệp tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng, ngày 22/9/2020, UBND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Chương trình nhằm tăng tỉ lệ đóng góp hàng năm của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Nguyễn Bằng |
Với Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng hơn 110 doanh nghiệp, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, đang hoạt động hoặc có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp của thành phố. Phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Đà Nẵng có quy mô còn nhỏ nhưng tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong toàn ngành công nghiệp đạt tới 20,2% trong năm 2022.
“Trong định hướng phát triển kinh tế Đà Nẵng, công nghiệp hỗ trợ là một trong 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển của Đà Nẵng, nhằm góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, số tiền mà doanh nghiệp có thể được thụ hưởng từ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 lên tới 5 tỷ đồng”, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, những năm qua, thành phố đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào các sản phẩm như: Linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp ưu tiên. Thành phố cũng có chiến lược riêng để thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ là xu hướng tất yếu, không chỉ phục vụ sản xuất công nghiệp của Bình Dương và cả nước mà còn hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, theo ông Dũng, Bình Dương đã và đang có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ.
Sẽ lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, bắt tay với các doanh nghiệp FDI, tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020 – 2030… là chiến lược được UBND TPHCM thực hiện trong thời gian qua nhằm giúp các doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ vi mạch bán dẫn nhằm hướng tới phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Theo lãnh đạo TPHCM, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố nên các chính sách, các giải pháp phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ được điều chỉnh ngày càng thiết thực và phù hợp với thực tiễn phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thành ủy và UBND TP cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ; lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố trực thuộc Sở Công thương; xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp... Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo lãnh đạo UBND TPHCM, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung phát triển công nghiệp dựa trên 4 trụ cột chính, gồm phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng. Cụ thể, thành phố sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao (điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học, sản xuất robot, thiết bị thông minh, hệ thống nano...), công nghệ số, công nghệ mới; sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin.