Theo ông Cao Hữu Hiếu, cùng với các ngành nghề khác như lắp ráp điện tử, điện thoại, da giày, các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt khó khăn khốc liệt khi kim ngạch toàn ngành giảm gần 20% trong 6 tháng đầu năm. Đáng lo ngại nhất của ngành là hiện toàn bộ doanh nghiệp ngành sợi đều đang bị lỗ, tồn kho lớn nhưng vẫn phải duy trì sản xuất.
“Với đặc thù ngành may, chưa bao giờ các doanh nghiệp ngành may với hàng nghìn lao động phải nhận những đơn hàng chỉ 500-700 áo jacket với mức giá giảm khủng khiếp như hiện tại. Có những mã hàng giảm tới 50%. Trước kia áo sơ mi có giá công 1,7-1,8 USD, nay chỉ còn 70 - 80 cent. Giá thấp nhưng không nhận thì không có việc làm. Thậm chí, để duy trì công việc cho lao động, doanh nghiệp phải nhận cả những đơn hàng không thuộc sở trường. Có những đơn vị hàng nghìn lao động chỉ nhận được đơn vài trăm hoặc nghìn chiếc áo, song vẫn phải làm”, Tổng giám đốc Vinatex trăn trở.
Ông Hiếu cũng cho biết, dệt may đang đối mặt khó khăn dưới đủ hình thức và là điều chưa từng xảy ra trước đây trong ngành dệt may, kể cả khi đỉnh dịch COVID-19 khiến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp bị tê liệt cũng chưa có cảnh này xảy ra.
Cùng với ngành may, ngành sợi, theo ông Hiếu, ngành dệt kim cũng đang điêu đứng khi các doanh nghiệp hầu hết cũng không có hàng và đối mặt tình trạng tồn hàng dệt kim lớn chưa từng có. Hàng loạt doanh nghiệp từ bé đến lớn từ năm ngoái đến nay không có đơn hàng.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết, ngành dệt may đang trải qua thời kỳ khó khăn lớn khi các doanh nghiệp phải giảm chi phí, thậm chí phải bán một phần tài sản để trang trải, tìm mọi cách duy trì hoạt động và không bị phá sản.
Theo Phó Chủ tịch VITAS, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, doanh nghiệp dệt may hiện rất mong có chính sách về tín dụng, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn như giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp theo tinh thần Thông tư 02/2023. Cùng đó, ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế để hỗ trợ tốt hơn cho ngành dệt may, hỗ trợ ngành chuyển đổi sản xuất bền vững.
Dệt may và da giày sẽ phải đẩy mạnh việc 'nội địa hóa' trong dệt nhuộm, sợi, sản xuất nguyên, phụ liệu. Ảnh: Nguyễn Bằng |
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may
Theo một số chuyên gia, sở dĩ việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vẫn còn đang gặp khó khăn do một số địa phương chưa mặn mà với việc phát triển các dự án dệt, nhuộm, do lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc đầu tư, phát triển cho sản xuất nguyên phụ liệu rất lớn, đòi hỏi công nghệ và vốn lớn, nhiều, nhất là DN nhỏ và vừa chưa quyết tâm hoặc chưa đủ nguồn lực.
Liên quan đến việc phát triển bền vững công nghiệp dệt may của Việt Nam, Hiệp hội Dệt may vừa có kiến nghị, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu.
Theo đó, VITAS kiến nghị Chính phủ có hỗ trợ về cơ chế, tài chính cho doanh nghiệp để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung; có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.
Để việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may có động lực phát triển mạnh, cần có các chính sách phát triển đồng bộ công nghiệp hỗ trợ như: Các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu phải có đường giao thông thuận lợi, đồng thời gắn với hệ thống cảng biển; tạo liên kết chuỗi trong dệt nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm; cần có cơ chế về tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải.
Cùng đó, trong chiến lược phát triển ngành cũng cần phân rõ các vùng, địa phương trọng tâm trong quy hoạch các khu công nghiệp, các nhà máy xử lý nước thải để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phần cung thiếu hụt…
Trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, được Chính phủ phê duyệt ngày ngày 29/12/2022, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để nhận ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.
Cùng đó, sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may, da giày đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn.