Công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu thu hút FDI
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến 20/9/2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất tính từ đầu năm 2022, chiếm lần lượt 30%, 25,7% và 15,9% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt là 3 quốc gia có tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam cao nhất hiện nay. Còn tính theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm, đưa ra các quyết định đầu tư mới nhất tới Việt Nam (chiếm 21,4% số dự án mới, 36% số lượt điều chỉnh và 35% số lượt góp và mua cổ phần). TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh là 3 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI.
Theo Bộ KH&ĐT, vốn FDI hàng năm trong khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN-KKT) đang chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước. Tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI khu vực này đang chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, cùng với sự phát triển của các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Panasonic, Boeing, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, cùng với sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp FD, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay, dù đã có chính sách ưu đãi, chính là các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng là bởi.
Sự yếu kém này đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp. Trong khi đó, để tham gia được các chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu đầu ra của sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp hỗ trợ phải thay đổi cách quản trị, đổi mới, đầu tư máy móc, thiết bị với lượng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Nguồn lực tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng không thuận lợi đang là những rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ để hút FDI mới
Kết quả khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam hiện chiếm tỉ lệ rất thấp. Như với ngành điện tử gia dụng, tỉ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm và đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu.
Ở những ngành công nghệ cao như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỉ lệ nội địa hoá rất thấp khi chỉ đạt lần lượt 15% và 5%. Đặc biệt, phần lớn là các linh kiện nội địa hoá được các chuỗi cung ứng chấp nhận đều là những sản phẩm do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cung cấp.
Về tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chia sẻ với báo chí, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam cho biết đi cùng kế hoạch triển khai dự án xây nhà máy 1 tỉ USD tại Bình Dương, tập đoàn đang thực hiện quy trình tiếp cận, đánh giá các nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng.
"Trong chiến lược phát triển của mình, tập đoàn luôn ưu tiên các nhà cung ứng địa phương. Không phải quy mô, mà các nhà cung ứng cần tuân thủ các tiêu chuẩn, cùng nhau phát triển bền vững, hướng tới các giá trị bảo vệ môi trường", ông Preben Elnef nhấn mạnh.
Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cần từng bước thực hiện các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt doanh nghiệp Việt, khắc phục được các điểm yếu cố hữu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cùng với cơ chế chính sách phát triển, cơ quan quản lý sẽ là những cánh tay nối dài của doanh nghiệp, giúp tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Chính phủ có giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chương trình ưu đãi chênh lệch cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là 5%.
"Các doanh nghiệp FDI nếu đi vay để đầu tư sản xuất chỉ phải chịu lãi suất 1-3%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang phải đi vay lãi suất phải trả lên đến 8-10%. Nếu không cấp bù lãi suất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của chúng ta thua ngay từ đầu. Trong Nghị định 111 của Chính phủ cũng có các quy định các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có chính sách ưu đãi về thuế", ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Theo thống kê của Cục Công nghiệp, trên cả nước, đến nay đã có 140 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp hỗ trợ để được hưởng chính sách. Tuy nhiên, dù hầu hết các tiêu chí này không khó khăn nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được.