Nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ được doanh nghiệp FDI 'o bế'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cùng với việc tăng mạnh đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ đang không ngừng tăng cường tìm kiếm, kết nối với nhà cung ứng Việt Nam để thực hiện hợp đồng gia công, mở rộng thị trường, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 25/8, Sở Công Thương TPHCM và các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023. Sự kiện nhằm cập nhật nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ nhà mua hàng là các công ty đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối… luôn có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.

Những nhà mua hàng lớn gồm 22 doanh nghiệp là nhà đầu tư FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTi), Công ty TNHH Nextern Việt Nam…; những nhà mua hàng mới đến từ Mỹ, Hàn Quốc… cũng tham gia tìm kiếm đơn vị cung ứng dịp này.

Với danh mục hơn 350 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp…

Bà Sabrina Ánh Trần – Giám đốc Mua hàng tại Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTi) cho biết, trong nhiều năm qua, công ty thành công trong việc tìm ra nhiều nhà cung ứng nội địa đạt tiêu chuẩn. “Chúng tôi đang tập trung tìm kiếm các nhà cung cấp cho các thành phần kim loại, gia công tiện và phay, dập kim loại, đúc khuôn, các bộ phần của động cơ,… nhằm hỗ trợ việc mở rộng sản xuất của các đơn vị kinh doanh và các ngành hàng (BU) của TTi tại Việt Nam” – bà Sabrina Ánh Trần chia sẻ.

Về quy mô nhà cung cấp, đại diện TTi cũng cho biết thêm, họ đang tìm kiếm các nhà cung cấp có khả năng tích hợp các quy trình công nghiệp theo chiều dọc để có thể hỗ trợ nhiều công đoạn và quy trình sản xuất lắp ráp. Điều này sẽ giúp các nhà cung cấp có thể kiểm soát chất lượng của tất cả các quy trình cũng như đảm bảo chi phí cạnh tranh.

Nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ được doanh nghiệp FDI 'o bế' ảnh 1
Các doanh nghiệp trao đổi, kết nối tại hội nghị. Ảnh: Uyên Phương

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, sự kiện sẽ giúp cho nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có kế hoạch đầu tư dài hạn về sản xuất công nghiệp hỗ trợ và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Thông qua chương trình, thành phố kỳ vọng đẩy mạnh giải pháp gia tăng giá trị đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất bằng việc giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Tú nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, với chủ đề “Kết nối các cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cun ứng toàn cầu”, các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị gồm: Hội thảo, kết nối trực tiếp, trưng bày năng lực cung ứng và nhu cầu nội địa hóa… nhằm giúp cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có kế hoạch đầu tư dài hạn, cũng như tạo điều kiện thúc đẩy các giá trị đầu tư từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài qua việc gia tăng liên kết đầu tư với mạng lưới cung cấp trong nước. Sự kiện năm nay ngoài những gương mặt quen thuộc như Samsung, Techtronic Industries, Nedic, Mabuchi Motor, Nextern Việt Nam… còn có một số nhà mua hàng mới lần đầu tham gia.

Ông Kazutomi Miura, Trưởng Văn phòng đại diện của Takara Industry Co., LTD tại TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Đây là lần đầu tiên công ty tham gia hoạt động kết nối này với mục tiêu tìm kiếm thêm nhà cung cấp sản phẩm ép nhôm, nhựa. “Chúng tôi hiện có 3 nhà cung cấp tại Việt Nam song để đa dạng nguồn cung, chúng tôi cần thêm những sản phẩm về gia công cơ khí và ép nhựa”- ông Kazutomi Miura chia sẻ.

Doanh nghiệp cần chủ động và tự tin hơn

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, Năm nay có khoảng 400 chi tiết, linh kiện được các doanh nghiệp FDI đặt hàng và có những chi tiết đòi hỏi điều kiện rất cao. Bên cạnh đó, trong số 22 doanh nghiệp FDI đăng ký tham gia chương trình lần này có 20 doanh nghiệp kết nối trưc tiếp tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023; 2 doanh nghiệp gửi hồ sơ nhưng không tham gia trực tiếp mà tự đi khảo sát nhà máy của nhà cung cấp tại Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu. Ngoài ra, còn có khoảng 10 doanh nghiệp FDI sẽ tham gia kết nối trực tuyến với các nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vào đầu tháng 9/2023.

Theo bà Oanh, nhìn chung doanh nghiệp FDI rất thiện chí song họ cũng chia sẻ rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu tự tin. “Có những doanh nghiệp trước đó không đáp ứng tiêu chí và qua 2-3 năm sau có sự đổi mới và đã vào được một số chuỗi. Tuy vậy họ lại không có sự tự tin đi kiếm lại khách hàng cũ để chào”- bà Oanh cho biết thêm.

Nêu dẫn chứng cụ thể, bà Oanh cho biết, Fujikuza Fiber Optics rất nhiều năm trước có làm việc với Nhật Minh nhưng thời điểm đó doanh nghiệp này không đáp ứng được tiêu chí của Fujikuza. Sau 4 năm chúng tôi giới thiệu, đánh giá Nhật Minh đã có sự thay đổi và cung ứng được cho một số tên tuổi lớn thì phía Fujikuza phản hồi không thấy Nhật Minh liên hệ lại. Điều này cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hơn. Qua thời gian nếu khả năng đã được nâng lên thì cần chủ động liên hệ với khách hàng cũ để chào hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần cho đối tác thấy được hệ thống, thấy được sự minh bạch trong sản xuất, sự cam kết trong đơn hàng (trễ hạn, đúng hạn ra sao)… Bởi lẽ nếu doanh nghiệp vượt qua những điều kiện này thì đơn hàng sẽ rất tốt.

Thống kê qua 5 năm tổ chức của Sở Công Thương TPHCM cho thấy, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ đã thu hút 96 doanh nghiệp FDI và nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối kết nối 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố, cũng như các tỉnh có sản phẩm cung ứng phù hợp; đồng thời có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp tại hội nghị.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp FDI đã đưa ra danh sách hơn 350 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên không phải nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ nào của Việt Nam cũng có thể đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn mà doanh nghiệp FDI đưa ra.

MỚI - NÓNG