Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay, trong phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng thể hiện qua việc cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, các bán thành phẩm ngay trong nội địa bảo đảm tính chủ động cho ngành công nghiệp, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu.
Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hằng năm và các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, đến nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng như ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện-điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may-da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, dù năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Noboru Kinoshita, Cố vấn quốc tế (Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản) chia sẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Hằng năm số doanh nghiệp cần tư vấn liên quan đến đầu tư vào Việt Nam gửi đến Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản tăng dần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam còn lo lắng trong việc hệ thống thuế và thuế vụ chưa rõ ràng, hệ thống pháp luật như ưu đãi với FDI chưa có các quy định cụ thể. Bên cạnh đó, họ lo lắng về đối thủ cạnh tranh, nguồn nguyên vật liệu và linh kiện tại Việt Nam còn thiếu…
Chia sẻ kinh nghiệm trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy, linh kiện, điện tử, ứng dụng IOT tại Việt Nam và khu vực, bà Trần Thu Trang, Chủ tịch Công ty Hanel PT cho biết, để tham gia thành công tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp đã đặt ra các chính sách về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quản lý, giám sát cũng như về con người.
"Uy tín và thương hiệu của mỗi cá nhân trong công ty được khẳng định bằng việc bảo đảm chất lượng công việc mình làm. Làm ra các sản phẩm thỏa mãn khách hàng; không ngừng cải tiến để cung cấp những sản phẩm tốt nhất với giá thành hợp lý…", bà Trang nhấn mạnh.
Hà Nội sẽ dồn sức cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Ảnh: Như Ý |
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực nên gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm, tỉ lệ nội địa hóa ngành ôtô chỉ dao động khoảng 5 - 20%, điện tử 5 - 10%, da giày, dệt may 30%, cơ khí chế tạo tỉ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15 - 20%.
Do tỉ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỉ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ôtô vào khoảng 35 - 50 tỉ USD.
“Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện, phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, cần phải có những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp đúng và đủ mạnh, nhằm bắt kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới”, ông Thắng cho hay.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội cũng tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố, cũng như doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cũng xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ…
“Để đạt mục tiêu đặt ra có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, TP. Hà Nội đã và đang tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ cũng như kết nối trực tiếp và trực tuyến với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước, hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này”, bà Lan cho hay.
Số liệu thống kê của Sở Công Thương TP Hà Nội đến tháng 8/2023 cho thấy, hiện TP Hà Nội có khoảng 960 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.