Đón ‘đại bàng’ đến làm tổ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải biết đón xu hướng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh việc chờ các chính sách, cơ chế từ các cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phải có quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, biết đón đầu xu hướng và mở rộng việc hợp tác về công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Phải tự đổi mới để nắm cơ hội đón ‘đại bàng’

Cùng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI quy mô toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, ô tô như Samsung, Apple, Dell, LG, Foxconn, Toyota, Hyundai… đến Việt Nam đặt nhà máy trong những năm qua nhằm hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng trong chuỗi cung ứng, các chuyên gia cho rằng, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các ‘đại bàng’ nói trên, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cần phải biết đón đầu xu hướng đầu tư, phát triển công nghệ.

Là một trong những đơn vị tham dự và cũng trực tiếp đứng ra tổ chức nhiều hoạt động kết nối cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, hầu hết doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn hợp tác cùng doanh nghiệp trong nước để cùng kinh doanh, phát triển thị trường. Tuy nhiên, một trong những rào cản đầu tiên mà các doanh nghiệp trong nước phải vượt qua chính là đáp ứng các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật khắt khe về quy trình quản lý, tính minh bạch trong sản xuất, quy định sử dụng nguồn nhân lực hay bảo vệ môi trường,...

Cùng đó, doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực để duy trì kết quả và liên tục đổi mới, hiện đại hoá quy trình, công nghệ sản xuất nhằm sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn. Chính điều này đã làm chùn bước nhiều doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã sở hữu năng lực và điều kiện trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn, nhưng do ngại thử thách nên vẫn chọn đứng ngoài cuộc chơi.

“Do tư duy cũ, không ít doanh nghiệp ngại việc minh bạch hóa quy trình sản xuất theo yêu cầu của phía FDI và cũng lười vươn lên. Trong thời gian ngắn, có thể các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả nhưng về tương lại rất khó đoán trước. Tham gia chuỗi là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để bảo đảm sự phát triển bền vững về lâu dài, là nền móng để lớn dần thành doanh nghiệp mạnh, nắm giữ công nghệ sản xuất hiện đại cũng như năng lực cung ứng tốt”, bà Oanh phân tích.

Đón ‘đại bàng’ đến làm tổ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải biết đón xu hướng ảnh 1

Theo các chuyên gia, để đón các ‘đại bàng’ đến làm tổ, bản thân doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải biết đón xu hướng và tự cải tổ để nâng cao năng lực. Ảnh: Như Ý

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, nhiều nhóm doanh nghiệp ngành điện – điện thời gian qua đã đến làm việc với TPHCM, tham gia các hoạt động triển lãm, đầu tư vào một số khu công nghiệp và tìm cơ hội kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Mới đây nhất là đoàn doanh nghiệp đến từ Hồng Kông (Trung Quốc). Khi vào Việt Nam, họ đã đón đầu xu hướng ngành hàng điện tử rất tốt, làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các sản phẩm về điện gia dụng rất phát triển.

Như trong chuyến công tác tại TPHCM cũng như tham dự triển lãm, các doanh nghiệp Hồng Kông đánh giá các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có các hoạt động tự động hóa tốt, hoạt động quản trị sản xuất tốt nhưng vẫn thiếu những công nghệ mới, hiện đại và bày tỏ mong muốn hợp tác, chuyển giao công nghệ cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là những cơ hội tốt cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TPHCM để có thể nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng.

“Để tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải nâng cao giá trị gia tăng để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không đơn giản là chỉ làm những chi tiết linh kiện đơn giản theo đơn đặt hàng. Để làm được, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải tối ưu hóa các hoạt động quản trị, nguồn nhân lực và minh bạch trong các khâu sản xuất. Đồng thời phải tập trung hợp tác với các mắt xích trong chuỗi cung ứng, nhất là với các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản, Hồng Kông vì các doanh nghiệp này luôn luôn có vị trí tốt trong các chuỗi cung ứng FDI, do có nhiều kinh nghiệm cũng như năng lực tốt”, bà Oanh cho hay.

Phải có chính sách hỗ trợ cụ thể

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cho rằng, câu chuyện phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã kéo dài trong suốt thời gian qua. Theo ông Tuấn, Việt Nam đã có nhiều ưu đãi, bản thân các doanh nghiệp FDI khi vào đầu tư cũng cam kết thực hiện nội địa hóa cũng như lộ trình phát triển các vệ tinh là các doanh nghiệp trong nước. Nhưng đến nay câu chuyện này vẫn chưa thực hiện được.

“Cùng với việc phát triển, cũng cần phải có chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp FDI cam kết nội địa hóa rồi không thực hiện được, đến lúc không đòi hỏi được yêu sách lại nhảy sang thị trường khác”, ông Tuấn nói.

Như với phát triển ngành công nghiệp ô tô, theo ông tuấn, không nhất thiết cứ phải sản xuất 100% chiếc ô tô tại nước mình mà phải có cách tiếp cận chuỗi liên kết toàn cầu.

“Hoàn toàn có thể xây dựng chính sách với yêu cầu các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam phải chuyển giao các công nghệ mới, không chỉ lắp ráp đơn thuần để đổi lấy được hưởng những ưu đãi nhất định trong thu hút đầu tư. Khi đã làm công nghiệp công nghệ cao thì vấn đề nhân công giá rẻ không còn quan trọng bởi hầu hết tự động hóa, do vậy vấn “nhân công giá rẻ”, ưu đãi thuế đất không còn là lợi thế của Việt Nam. Chúng ta phải tận dụng được các lợi thế hiện nay như kỹ sư tin học, tay nghề cao…”, ông Tuấn phân tích.

Để đạt được mục tiêu về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần phải có chính sách cụ thể, tăng tỉ lệ nội hóa ngành cơ khí, tăng giá trị sản xuất trong nước. Đơn cử, đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần hướng tới chuỗi giá trị gia tăng cao hơn.

Cùng với đó, để tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ để phát triển lớn hơn, đặc biệt trong việc xóa bỏ rào cản cũng như phân biệt đối xử, ưu đãi giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI trong các ngành công nghiệp, quy định chặt chẽ hơn trong việc chuyển giao công nghệ cũng như về thị trường tiêu thụ.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.