Tại trường Đại học Nông lâm TPHCM, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường dự kiến sẽ có 3 mức điểm xét tuyển là 17 điểm, 18 điểm và 20 điểm, tùy theo nhóm ngành. Riêng đối với 2 phân hiệu đào tạo của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận, điểm nhận hồ sơ sẽ bằng điểm “sàn” 15,5 điểm.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường Đại học Mở TPHCM cho biết, dự kiến ngưỡng điểm xét tuyển vào trường sẽ lấy bằng điểm “sàn” của Bộ GD-ĐT là 15,5 điểm. “Nguyên do vì trường đào tạo đa ngành, ngoài những "ngành hot" thì mức điểm “sàn” này cũng tạo điều kiện cho các ngành khác tuyển được”, ông Hà nói.
Ở khối trường tư thục, đa phần các trường này đều có ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, riêng với các ngành đặc thù, “hót” thì mức điểm có cao hơn.
Cụ thể, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thông báo điểm nhận hồ sơ của tất cả các ngành đào tạo là 15,5 điểm, riêng ngành Dược lấy 18 điểm, ngành Răng - Hàm - Mặt 21 điểm, các ngành năng khiếu lấy 15,5 điểm (môn năng khiếu hệ số 1) hoặc 20 điểm (môn năng khiếu hệ số 2). Tổng chỉ tiêu của trường là 3.250, trong đó một nửa tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi THPT, còn lại là xét học bạ.
Tương tự, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của ngành Bác sĩ dự phòng điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 điểmm trong khi các ngành còn lại là 15,5 điểm.
Trường Đại học Văn Hiến, trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM, trường Đại học Công nghệ TPHCM và Đại học Lạc Hồng cũng công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào trường là 15,5 điểm. Riêng đối với ngành năng khiếu của trường Đại học Văn Hiến, ngoài tổ chức thi riêng các môn Chuyên môn thì xét môn Văn hóa là Văn từ 5 điểm trở lên.
TS Nguyễn Tuấn Anh, trưởng phòng đào tạo của trường ĐH Thủy lợi cho rằng, năm nay, trường tiếp nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh bằng điểm sàn mà bộ GD&ĐT vừa công bố tức 15,5 điểm.
Cũng theo ông Tuấn Anh, việc điểm sàn tăng 0,5 điểm so với năm ngoái không ảnh hưởng gì đến việc xét tuyển của trường.
“Dự kiến điểm chuẩn của trường tăng từ 0,5- 1 điểm so với năm ngoái”- Ông Tuấn Anh nhận định.
Ông Tuấn cũng phân tích, việc tăng điểm sàn nhẹ so với năm ngoái thực chất chỉ ảnh hưởng đến những trường lấy học sinh bằng điểm sàn mà thôi.
“Điều quan trọng là thí sinh có điểm cao sẽ vẫn đăng ký những trường top trên và những trường top giữa đợi những thí sinh có điểm ở mức thấp hơn top đầu”- ông Tuấn Anh cho hay.
ĐH Lâm nghiệp cũng công bố phương án xét tuyển vào trường. Đối với phương thức 1 (thí sinh dùng điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển)
Theo đó, điểm các thi THPT Quốc gia theo tổ hợp môn xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Môn xét tuyển vào bậc Đại học quy định cho từng ngành học theo phương thức 1 được thể hiện ở Bảng 05 (áp dụng cơ sở chính), Bảng 06 (áp dụng cho Phân hiệu tỉnh Đồng Nai).
Xét điểm theo khối thi từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu (bằng tổng điểm các môn dùng để xét tuyển + điểm ưu tiên).
ĐH Công đoàn cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận ĐKXT.
Thí sinh có kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo trở lên và không có môn thi nào trong tổ hợp môn xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống
Khi thực hiện xét tuyển, độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp môn thi trong cùng một ngành được quy định như sau:
+ Đối với các tổ hợp môn thi Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Anh; Toán - Anh - Văn điểm trúng tuyển cùng một ngành bằng nhau.
+ Đối với tổ hợp môn thi Văn - Sử - Địa: Điểm trúng tuyển cao hơn 01 điểm so với các tổ hợp khác cùng ngành.