Có bột mới gột nên hồ
Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục đều bộc lộ rõ sự ngỡ ngàng, lo lắng trước bức tranh tuyển sinh của ngành sư phạm. Mức điểm của các khoa sư phạm của các đại học vùng, đại học địa phương chỉ dừng ở mức 15 điểm là cao. Trong khi đó, đánh giá của nhiều giảng viên đại học thì với đề thi dễ như năm 2017, những thí sinh chỉ đạt điểm 15 thậm chí là "chưa đủ trình độ để học đại học".
Trao đổi với PV báo Tin Tức, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy môn Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết: “Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được các trường ĐH, CĐ lấy để xét tuyển đã bộc lộ sự bất thường và tạo ra hai thái cực “đỉnh” và “đáy”. Ở thái cực “đỉnh” là các trường quân đội, công an, y dược, mức điểm 29, 30 điểm vẫn chưa đỗ. Ở thái cực “đáy” thì các trường sư phạm chỉ lấy 9, 10 điểm, có trường cao hơn là 15 điểm.
Xem ra, câu nói “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm” đã đúng trong trường hợp này. Những em học khá, giỏi không chọn sư phạm, còn những em chọn sư phạm thì chất lượng đầu vào rất kém. Điều này thực sự đáng lo ngại bởi những trường sư phạm mà có đầu vào người thầy thấp như vậy chắc chắn không có giáo viên giỏi. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mới đây cho thấy đòi hỏi kiến thức tích hợp, liên môn của người thầy. Làm sao những học sinh có điểm đầu vào thấp đáp ứng được các điều kiện này?.
TS Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học trực tuyến GiapSchool chia sẻ: “Nhiều lúc tôi có cảm giác lực cản lớn nhất với đổi mới giáo dục hiện giờ không phải là từ phía nhà quản lý, mà lại là từ chính các nhà giáo. Chất lượng giáo viên đang ở mức báo động. Lẽ ra giáo viên phải là những người giỏi nhất, tự hào về bản thân và nghề nghiệp của mình, thì ở ta rất nhiều giáo viên lại đang bị đánh giá là những người thất bại.
Thất bại từ ngay kỳ thi tuyển sinh đầu vào nên điểm tuyển của trường sư phạm mới thấp như vậy. Những người đó sau này sẽ có ba bốn chục năm đứng lớp để dẫn dắt con em chúng ta đi vào đời, trong tâm thể của người kém cỏi và thất bại như thế thì kết quả ra sao các bạn cũng sẽ hình dung ra. Chỉ hy vọng các trường sư phạm không chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh để giữ chất lượng”.
Những điều lo ngại của các chuyên gia giáo dục, nhà giáo là hoàn toàn có cơ sở để ngành giáo dục cũng như các trường sư phạm cùng nhìn nhận lại. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề này với lãnh đạo một số trường đại học thì lại là vấn đề… khó nói trước thời điểm này.
Cần "phanh" đào tạo sư phạm để đầu tư
Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng: “Trong xã hội hiện nay có hai nghề đặc thù đó là nghề giáo và nghề y. Nếu nghề y được đào tạo ra với trình độ chuyên môn kém thì cướp đi sinh mạng của con người; còn người thầy đào tạo ra kém thì sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học trò.
Nên chăng cần định hướng các trường sư phạm, nếu có điểm đầu vào thấp, thì nên dừng tuyển sinh khóa này. Đồng thời, cho rà soát lại chất lượng đào tạo. Kết thúc kỳ thi này, Bộ GD – ĐT cũng cần có nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này để đánh giá toàn diện trong tuyển sinh ngành sư phạm”.
Còn TS Giáp Văn Dương cho rằng: “Các trường sư phạm phải có sự dũng cảm để phanh lại một vài năm, không đánh đổi chất lượng với số lượng, không tuyển người có năng lực học tập quá yếu vào trường để sau này đi dạy học.
Nhân đây cũng xin nhắc lại, nếu không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, nếu nhà giáo không sống được bằng lương, thì mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại”.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, một số nhà giáo, giảng viên đã lên tiếng đưa ra các giải pháp rất cụ thể và mang tính dài lâu trước tình hình này.
Vậy nên khoán cho trường một khoản ngân sách mà không phụ thuộc vào chỉ tiêu. Khi đó, Bộ nâng điểm chuẩn sư phạm lên, dù tuyển được ít thì ngân sách không đổi. Sĩ số sinh viên ít, thì chất lượng đào tạo càng cao. Nhưng cần đưa ra chỉ tiêu tối thiểu mà các trường cần tuyển, giả dụ 100 chỉ tiêu, nếu như không đủ số này thì cắt miếng bánh ngân sách này”.
PGS Nguyễn Hữu Hợp cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đang rất nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm thì chất lượng đầu ra của trường sư phạm là yếu tố cần quan tâm hàng đầu (chứ không phải là số lượng).
Theo PGS Nguyễn Hữu Hợp là bấy lâu nay, các trường sư phạm đào tạo "hình ống", tức là đầu vào 10 em thì 10 sinh viên tốt nghiệp. Trong khi lẽ ra, phải đào tạo theo kiểu "hình nón", tức là số sinh viên tốt nghiệp sẽ nhỏ hơn số vào.
Khi đó, sau mỗi năm học, nếu sinh viên không "theo" được thì cho nghỉ học. Có như thế thì mới bảo đảm chất lượng đào tạo. Nếu trường sư phạm nào cho ra "phế phẩm" thì sẽ bị cắt, giảm ngân sách.
Và điểm cuối cùng mà PGS Nguyễn Hữu Hợp chia sẻ: Các trường sư phạm phải bảo đảm một tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm (giả dụ, tối thiểu 60%). Đó vừa là trách nhiệm, vừa là cam kết chất lượng của nhà trường với xã hội. Việc này tạo ra một sự cạnh tranh về chất lượng đào tạo giữa các trường sư phạm. Khi đó, người học và xã hội đều được lợi. Nếu không thì chẳng khác gì "đem con bỏ chợ", "sống chết mặc bay”.
Được biết, rà soát và đầu tư cho các trường sư phạm là một trong những 9 nhiệm vụ và giải pháp trong năm học này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những vấn đề trong tuyển sinh ngành sư phạm, chất lượng đào tạo một lần nữa được đặt ra để lãnh đạo ngành nhìn nhận trong dịp tổng kết năm học sắp tới.