Dạy nghề cho nông thôn: 'Nhiều nơi cán bộ đông hơn học viên'

Dạy nghề cho nông thôn: 'Nhiều nơi cán bộ đông hơn học viên'
TPO - “Mạng lưới đào tạo nghề hiện có hơn 1.000 cơ sở. Rất lớn, nhưng hiệu quả chưa? Có những cơ sở cán bộ đông hơn học viên", ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH nói về thực trạng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cán bộ, giảng viên đông hơn học viên?

Ngày 12/5, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân tổ chức hội thảo “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” và “Mô hình nông dân dạy nông dân: Bài học từ thực tiễn”. 

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cho rằng, khi gia nhập TPP, thách thức đặt ra là nhập khẩu tăng mạnh, kinh tế chịu sức ép cạnh tranh lớn từ nước ngoài, đối tượng yếu thế ở nông thôn dễ bị tổn thương. 

Dạy nghề cho nông thôn: 'Nhiều nơi cán bộ đông hơn học viên' ảnh 1

Hội thảo Nông dân dạy nông dân: Bài học từ thực tiễn chiều 12/5. Ảnh: Trường Phong

“Có 3 bất cập lớn nhất của nông dân, nông nghiệp, nông thôn là năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất nhỏ; mô hình sản xuất không hiệu quả, chi phí cao; độ ổn định không cao, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”, ông Dũng nói. 

Theo ông Dũng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có yếu tố chuyên môn kỹ thuật, tay nghề của nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Dũng cho biết: “Nếu mà hỏi dạy nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh hội nhập như thế nào thì ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng băn khoăn”, ông Dũng nói. 

Theo ông Dũng, trong 5 năm tới xác định mục tiêu phải đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm 1,1 triệu, cơ cấu 75% là phi nông nghiệp để chuyển dịch. “Yêu cầu cũng đặt ra là 80% có việc làm mới và năng suất, thu nhập cao hơn”, ông Dũng nói.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Dũng, một trong những giải pháp là rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở dạy nghề. “Mạng lưới đào tạo nghề hiện có hơn 1.000 cơ sở. Rất lớn, nhưng hiệu quả chưa? Có những cơ sở cán bộ đông hơn học viên. Trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu khác đi thì phải rà soát sắp xếp lại thế nào. Chính phủ cũng đang đặt hàng Bộ LĐTB&XH làm việc này”, ông Dũng nói.

Để nông dân hiểu về hội nhập kinh tế quốc tế

Liên quan đến mô hình nông dân dạy nông dân, tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Trị, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Trị đã chỉ ra nhiều yếu kém như việc giáo viên được mời đến dạy chỉ biết về lý thuyết còn thực hành không làm được. 

“Chúng tôi sử dụng cán bộ, giáo viên của Trung tâm hoặc cán bộ, kỹ thuật có đầy đủ bằng cấp theo đúng quy định để giảng dạy kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, nhưng phần thực hành thì giảng viên có ai biết đâu. Không ai thực hiện được. Chỉ nói lý thuyết thì giỏi”, ông Lương nói. 

Theo ông Lương, phần thực hành này chỉ có nông dân làm thành thạo. “Mình phải hợp đồng, thuê vườn cao su, cạo mủ phải bảo đảm, vừa đạt được hiệu quả, không để bị u bướu, chết cây. Nông dân dạy trực tiếp kỹ thuật này hiệu quả rất cao”, ông Lương nói. 

Cũng theo ông Lương, còn một số bất cập như chương trình không phù hợp với đồng bào dân tộc, giáo viên không biết tiếng dân tộc, nói thuật ngữ kỹ thuật nên dân không hiểu gì, rất khó chứng minh nông dân đủ khả năng giảng dạy. 

“Kinh nghiệm là tập trung cho một số học viên hạt nhân của lớp sau này phối hợp với giáo viên hướng dẫn đồng bào. Hiệu quả rất cao”, ông Lương nói.

Cũng theo ông Lương, hiện nay, Hội Nông dân đang quan tâm hoàn thiện các Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành nhưng nguồn kinh phí lại không chủ động được. “Xây dựng Trung tâm hoành tráng nhưng kinh phí để T.Ư Hội phân bổ về thì không có”, ông Lương nói. 

Theo ông Lương, cần tập trung, tăng cường công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp. “Cái này tôi nghĩ quan trọng nhất. Phải ký kết với các doanh nghiệp. Dạy và đào tạo nghề phải có việc làm, dự báo thu nhập theo quy định. Mà chúng ta dạy chay, nói thật cũng lãng phí, không hiệu quả”, ông Lương nói. 

Bên cạnh đó, theo ông Lương, các cấp Hội cần tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa để nông dân hiểu về hội nhập kinh tế quốc tế. “Mình cứ nói là hội nhập nhưng nông dân hiểu thế nào? Doanh nghiệp chưa chắc đã hiểu, đừng nói là nông dân. Làm sao nông dân phải biết trình độ non kém của mình, biết sợ khi gia nhập, ký kết kinh tế quốc tế”, ông Lương nói.

Tham luận của Hội Nông dân Việt Nam tại Hội thảo cho biết, Hội đã xây dựng được hệ thống cơ sở dạy nghề từ T.Ư đến các khu vực và địa phương, gồm 1 trường Trung cấp nghề, 4 Cơ sở dạy nghề khu vực trực thuộc trường và 54 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Các cấp Hội tổ chức được nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, giới thiệu việc làm cho nông dân, tuy thế, còn nhiều bất cập, hạn chế như số lượng cán bộ, giáo viên còn ít; việc tổ chức dạy nghề chủ yếu dạy sơ cấp, dạy nghề thường xuyên lưu động tại cơ sở, dạy nghề hệ trung cấp, dạy tại trụ sở của các Cơ sở dạy nghề còn ít; việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nông dân sau khi học nghề còn hạn chế; trang thiết bị và giáo trình dạy nghề còn thiếu…

MỚI - NÓNG