Day dứt từ một “án” đuổi học

TP - Tôi khá lo lắng về tính hiệu quả của những quyết định “tiền hậu bất nhất” giữa Ban giám hiệu nhà trường và Sở giáo dục tỉnh Thanh Hóa, liên quan đến việc kỷ luật nhóm học sinh vì hành vi xúc phạm thầy cô trên facebook. Bởi nhìn vào đó, những học sinh và nhiều bạn bè khác sẽ dễ trở nên “nhờn” với các quy định của trường. Khi được can thiệp và “bảo vệ” giảm án, hủy án từ cấp cao hơn trước áp lực của dư luận, mạng xã hội.

Chuyện xôn xao trong tuần qua, khi chỉ trong một lớp 10 ở thành phố Thanh Hóa có đến 8 học sinh cả nam lẫn nữ bị nhà trường kỷ luật nặng. Trong đó 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 em bị đuổi học 1 tuần, 1 em bị cảnh cáo toàn trường. Tuy nhiên, quyết định trên vừa được thu hồi bởi chỉ đạo của lãnh đạo Sở giáo dục. Theo quan điểm “xử” như vậy là quá nặng tay, nóng vội, không mang tính giáo dục,…

Có lẽ chỉ những ai am hiểu hoặc có liên quan đến trường học, nghề giáo mới thấu được nỗi khổ, nỗi day dứt của những người làm giáo dục hiện giờ. Bối cảnh xã hội từng ngày tác động dữ dội vào trường học, vào mỗi tâm hồn mong manh của lứa học trò mà khó thành trì nào có thể ngăn cản được. Chỉ có thể hy vọng vào tố chất cá nhân, hoàn cảnh gia đình, cũng như tùy thuộc vào thiên lương của mỗi em đủ sức miễn nhiễm với cái xấu, các ác, sự lạnh lùng vô cảm vây bủa xung quanh. Lãnh đạo ngôi trường trên giãi bày, rằng “chưa từng gặp nhóm học sinh nào cá biệt như vậy”, và dù đã dùng nhiều cách để giáo dục, nhưng các em “không hối lỗi, tiếp tục vi phạm nề nếp, có thái độ thách thức”.

Một nan đề đầy xót xa, day dứt. Như chính mỗi người lớn chúng ta đang phải đối diện, với biết bao vây bủa mà khó lòng lựa chọn đúng và sai, nên và không.

Phần nào thông cảm với quyết định của các thầy cô ở ngôi trường trên. Tuy nhiên, với học trò, kết cục xấu nhất trong mọi kết cục, đó là bị đuổi học, bị đẩy trả về gia đình, bị “ném” ra ngoài xã hội. Tôi từ lâu ám ảnh với câu nói của một nhà sư phạm nước ngoài. Rằng “Những đứa trẻ ở nhà được yêu thương, thì đến trường để học. Còn những em ở nhà không có được tình thương yêu ấy, thì tới trường là để được yêu thương”.

Dù đã lớp 10, nhưng lứa tuổi ấy vẫn còn biết bao mong manh, xáo trộn về tâm sinh lý, tri thức và nhận thức. Bị đẩy ra ngoài xã hội, các em chỉ có thể tiếp tục trượt dài trong sự lôi kéo, ruồng đuổi của cái xấu. Bởi xét về tâm lý giáo dục, đó là những em thuộc dạng “đến trường để được yêu thương”.

Nên mỗi quyết định thuộc về số phận con người như vậy, ắt cần phải cân nhắc thật nhiều, thật lâu thật sâu hơn nữa. Rất tán đồng ý kiến của một độc giả chia sẻ trên Vnexpress.net mới đây. Đó là chúng ta “cần thực hiện nền giáo dục cứng rắn toàn diện kết hợp với giáo dục định hướng từng bước. Cứng rắn đầu tiên chính là loại bỏ ngay căn bệnh thành tích. Cứng rắn thứ hai chính là chất lượng giáo viên đầu vào. Cứng rắn thứ ba mới đến thực hiện nghiêm minh nội quy nhà trường, lớp học đối với giáo viên và học sinh”.

Sau gần 10 ngày bị đuổi học, các em đã được trở lại trường. Tất nhiên sẽ phải đối mặt với quyết định kỷ luật mới của nhà trường. Cho dù phù hợp và nhân văn hơn, thì vẫn là kỷ luật. Điều không thể tránh khỏi.

Mong các em nhận ra được ý nghĩa sâu xa trong sự bao dung của thầy cô, của xã hội để thay đổi và hoàn thiện mình. Để đóng góp điều tốt đẹp cho đời. Mong lắm thay!

MỚI - NÓNG