Đang rà soát cắt giảm văn bản lại soạn thảo bổ sung 'rào cản' mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh nhưng chưa được xem xét. Bên cạnh rà soát cắt giảm văn bản hiện hành, có hiện tượng văn bản đang soạn thảo lại bổ sung các "rào cản" mới.

Tổn thất, mất hợp đồng

Tại Hội nghị triển khai nghị quyết số 02/NQ-CP cải cách tạo điểm tự thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hôm nay (29/2), tại Hà Nội, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - cho biết, với khó khăn dai dẳng từ thị trường, cộng thêm chi phí phát sinh trong việc tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính, phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng ít có cơ hội phục hồi.

Đang rà soát cắt giảm văn bản lại soạn thảo bổ sung 'rào cản' mới ảnh 1

Hội nghị triển khai nghị quyết số 02/NQ-CP cải cách tạo điểm tự thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (ảnh: TTXVN).

Bà Lý Kim Chi cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng, nghị quyết sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại về thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong năm 2024. Qua đó, bà Chi kỳ vọng, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, theo bà Chi, thời gian gần đây, các doanh nghiệp phản ánh, việc cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến doanh nghiệp đối mặt với những rủi ro, có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh… Minh chứng rõ nhất là trong tháng đầu năm, cả nước có gần 54.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi con số xin gia nhập và tái gia nhập chỉ có gần 27.300 doanh nghiệp.

Thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài. Đối với các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tình trạng dịch chuyển rất đáng ngại.

“Với ngành lương thực thực phẩm nếu không có một chính sách pháp luật đồng bộ nhất quán từ Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước giảm bớt áp lực, yên tâm phát triển thì sợ rằng chúng ta sẽ mất mát rất lớn, khi xu hướng chuyển nhượng, hợp tác này ngày càng gia tăng trong thời gian tới”, bà Chi lo ngại.

Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách, bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá. Bởi thực tế, các quy định về kỷ luật công vụ và trách nhiệm người đứng đầu Bộ, ngành trong việc thực thi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao còn khá hời hợt, chưa cụ thể dẫn đến nhiều quy định bất cập, tác động rất lớn đến doanh nghiệp.

Bà Chi đề cập đến một quy định được cho là bất cập đã kéo dài dai dẳng gần 7 năm. Kể từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã và đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất từ việc yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung i-ốt vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm.

Đang rà soát cắt giảm văn bản lại soạn thảo bổ sung 'rào cản' mới ảnh 2

Hiệp hội cho thuê tài chính kiến nghị vướng mắc tại Thông tư 24 về cấp thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới (ảnh minh họa).

Ông Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính - cho biết, mặc dù những kiến nghị vướng mắc về Thông tư 24 của Bộ Công an về cấp thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới đã được cơ quan soạn thảo ghi nhận và nghiên cứu, nhưng trên thực tế, những vướng mắc lớn nhất vẫn còn tồn tại. Điều này làm mất đi cơ hội phát triển dư nợ của ngành cho thuê tài chính.

Ông Hòe thống kê, tổng số tiền từ các hợp đồng tín dụng không thực hiện được là hơn 400 tỷ đồng. Theo ông Hoè, các doanh nghiệp đề xuất có biện pháp giảm thời gian chờ đợi do việc di chuyển phương tiện tới nơi đăng ký đang tốn kém chi phí và thời gian; chi phí cấp biển số cao hay có phương án miễn giảm phí giao thông với khách hàng thuê tại địa bàn tỉnh, thành phố mà khách cư trú, nhưng biển xe thuê lại từ Hà Nội hay TPHCM do trụ sở của công ty cho thuê tài chính đóng tại đây…

“Tôi vừa trao đổi với 2 công ty thành viên hiệp hội, thì một công ty chia sẻ là tình trạng này bọn em bó tay, không làm được, khách hàng vừa từ chối, hủy hợp đồng 70 xe taxi tại Lâm Đồng”, ông Hoè chia sẻ.

Không chỉ lắng nghe mà phải gỡ khó cho doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, kỳ vọng của doanh nghiệp tại Nghị quyết 02 là chất lượng thực thi, hiệu quả, thực chất. Dưới góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Tuấn, một số phương án cắt giảm, đơn giản hoá còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu đột phá. Một số tính toán về chi phí được cắt giảm còn chưa chính xác.

Theo ông Tuấn, nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh nhưng chưa được xem xét. Bên cạnh rà soát cắt giảm văn bản hiện hành, có hiện tượng văn bản đang soạn thảo lại bổ sung các rào cản mới. Doanh nghiệp không thuận lợi trong cách thức tiếp cận, tham gia vào hoạt động rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh.

Ông Tuấn lấy ví dụ một số vướng mắc doanh nghiệp phản ánh. Trong đó, nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi. Thực tế, doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Từ phía cơ quan quản lý, theo ông Tuấn, khó có thể quản lý khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email.

Trên cơ sở các phản ánh, kiến nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh trong phục hồi và phát triển kinh tế. Thứ trưởng cho rằng, khi 1-2 doanh nghiệp có kiến nghị thì cần nghiên cứu, nhưng trên 3 doanh nghiệp kiến nghị thì đó là nhiệm vụ chính sách.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp thực chất, thường xuyên hơn; trong phạm vi thẩm quyền, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ lắng nghe vấn đề.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.