Sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các bộ, ngành; chủ tịch, tổng giám đốc 38 ngân hàng thương mại, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các hiệp hội, ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TPHCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc |
Phải cùng có trách nhiệm
Thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, người dân đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn, thách thức về vốn.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có tinh thần như hội nghị “Diên Hồng” nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Thủ tướng, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Vì thế, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, "góp gió thành bão" để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn được, mới có sự phát triển chung.
Thủ tướng chỉ rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng, nhân dân làm nên lịch sử. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.
Lúc khó khăn mà vẫn bán giá cũ thì đã có trách nhiệm chưa?
Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?
Đại diện các ngân hàng, hiệp hội tham dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc |
Theo lãnh đạo Chính phủ, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đặt vấn đề: Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?
Để tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng đề nghị mỗi đại biểu cần phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau; phát huy đoàn kết để cùng đóng góp và cần cả sự hy sinh, nhường nhịn; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.