Trói tay doanh nghiệp
Dù pháp lý dự án đã cơ bản xong nhưng chủ một doanh nghiệp bất động sản tại quận 3 (TPHCM) vẫn ngần ngại chưa dám nộp hồ sơ qua ngân hàng để vay tiền. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, sau đợt dịch COVID-19 rồi thị trường bất động sản trầm lắng nên doanh thu lẫn lợi nhuận của công ty lao dốc. Trong khi đó, muốn vay tiền thì bị khống chế bởi quy định trần tổng chi phí lãi vay.
“Nếu tự mình phát triển dự án sẽ tạo công ăn việc làm, kiếm được lợi nhuận nhiều hơn nhưng việc tiếp cận tín dụng khó khăn nên lãnh đạo công ty đang tính tới phương án bán “non” dự án để lấy tiền làm việc khác”, vị đại diện doanh nghiệp này nói.
Không nên và không cần thiết khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30%. |
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết là không hợp lý và làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, kịp thời và có thể làm thiệt hại lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bởi lẽ, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là chi phí hợp pháp, được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020 (được sử dụng các nguồn vốn tín dụng) hoặc khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (khách hàng vay vốn phải có mục đích sử dụng vốn hợp pháp) hoặc điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên). Như vậy, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định pháp luật thì nhà đầu tư còn có thể sử dụng các nguồn vốn khác, trong đó có vốn vay.
“Không nên và không cần thiết khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", ông Châu nói.
Trên thực tế, hàng nghìn doanh nghiệp đang lao đao vì thiếu vốn. Tuy nhiên, theo Nghị định 132, vốn vay lại không được tính vào chi phí hợp lệ nên nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng thừa tiền mà không thể cho vay. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định khống chế của Nghị định 132 vừa làm giảm động lực của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không thể lớn được. Hệ lụy là nền kinh tế giậm chân tại chỗ.
Việc dùng chính sách thuế để hạn chế doanh nghiệp vay vốn là không hợp lý theo quy định của pháp luật lẫn thực tiễn. |
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW - khẳng định, việc dùng chính sách thuế để hạn chế doanh nghiệp vay vốn là không hợp lý theo quy định của pháp luật lẫn thực tiễn. Nghị định 132 khống chế chi phí lãi vay càng làm cho doanh nghiệp lao đao hơn, tạo rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chậm sửa đổi
Tại điểm đ mục 4 Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 132 để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023.
Việc sửa đổi Nghị định 132 là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn với hàng nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tiến độ đặt ra tại công văn số 12094/BTC-TCT ngày 23/11 của Bộ Tài chính, phải đến quý IV/2024 thì Bộ Tài chính mới trình Chính phủ dự thảo sửa đổi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự chậm trễ này vừa đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ, vừa đẩy các doanh nghiệp vào bước đường cùng vì khó khăn chồng chất. Thậm chí Bộ Tài chính dường như bỏ ngoài tai những kiến nghị khẩn thiết của nhiều doanh nghiệp suốt thời gian qua sau khi công văn số 7725/TCT-TTKT ngày 18/10 của Tổng cục Thuế được ban hành.
“Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" hiện nay, những gì có thể làm được ngay thì nên làm ngay. Cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 132 để coi như là một chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội - nói.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, với nghị định thì Bộ Tài chính hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian sửa đổi, thẩm định và trình Chính phủ. Theo ông Hà, phải sửa đổi sớm Nghị định 132 để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Lộ trình của Bộ Tài chính đưa ra cuối 2024 là quá dài. Do đó, nên hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Nghị định 132 trong năm nay và đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm sau thì Chính phủ ban hành Nghị định mới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tập trung sửa đổi những vấn đề mang tính căn cơ, cốt lõi để thực sự tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp như tăng mức khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên 50%, tăng thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế từ 5 năm lên 7 năm, cho phép doanh nghiệp được chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang cả các kỳ tính thuế không phát sinh giao dịch liên kết.
Cụ thể, khi ban hành Nghị định 132, các cơ quan chức năng đã tham khảo thông lệ ở các nước đã phát triển để đưa ra mức khống chế theo mức 30% EBITDA. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, hầu hết các doanh nghiệp đều trong giai đoạn phát triển, khởi nghiệp rất cần vốn và phải đi vay. Đề xuất tăng mức khống chế từ 30% lên 50% để phù hợp với thực tế phát triển tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đang lao đao vì Nghị định 132 chậm sửa đổi. |
Hơn nữa, mục đích của Nghị định 132 là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, FDI tại Việt Nam là công ty con trong tập đoàn có công ty mẹ ở các nước đã phát triển, do lãi suất vay ở các nước đang phát triển tương đối thấp nên cho các FDI vay theo lãi suất thấp. Vì thế, doanh nghiệp FDI ít chịu tác động của quy định khống chế chi phí. Ngược lại, với nền lãi suất cho vay cao tại Việt Nam, Nghị định 132 đang “đánh” nhầm người nhà, kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, do liên tiếp chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế thế giới nên các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn, suy giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, trong khi vẫn phát sinh chi phí vận hành và chi phí lãi vay nên chi phí lãi vay vượt mức khống chế rất cao. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bằng 0 hoặc âm thì không có lợi nhuận để bù trừ thuế. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thì đề xuất cho phép kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế từ 5 lên 7 năm và áp dụng với chi phí lãi vay vượt mức khống chế phát sinh từ năm 2019.
“Việc chậm đề xuất sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP, nhất là việc chậm đề xuất sửa đổi quy định khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP sẽ càng làm cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật tiếp tục bị thiệt hại, bị thiệt thòi”, ông Châu nói.