Đề nghị xây dựng trục không gian chủ đạo sông Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự thảo quy hoạch TPHCM mới đây lấy ý kiến tham vấn, với một số kiến nghị, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, như: Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế; sắp xếp, tổ chức lại và thu hút đầu tư xây dựng trục không gian chủ đạo sông Sài Gòn, đặc biệt đoạn qua nội thành và khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ trở thành khu du lịch quốc gia, có ý nghĩa quốc tế.

Quy hoạch có gì?

Theo báo cáo dự thảo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, so sánh với 25 thành phố hàng đầu trong khu vực châu Á, TPHCM có quy mô trung bình, nhưng trình độ phát triển ở mức thấp; năng lực cạnh tranh xếp thứ 15/25, trong đó thế mạnh lớn nhất của thành phố được đánh giá là lĩnh vực liên kết xã hội (đặc biệt là chỉ số HDI). Hai lĩnh vực ở mức trung bình là công nghệ và hạ tầng giao thông vận tải (đặc biệt thể hiện ở so sánh tương đối tốt về chỉ số ứng dụng công nghệ số và thời gian di chuyển trung bình hàng ngày của người dân).

Ngoài ra, 2 chỉ số yếu nhất là chỉ số kinh tế (thu nhập bình quân đầu người) và mức độ quốc tế (thể hiện bởi sự có mặt của các doanh nghiệp lớn toàn cầu).

Đề nghị xây dựng trục không gian chủ đạo sông Sài Gòn ảnh 1

Vai trò của TPHCM trong bối cảnh quốc gia và quốc tế (theo dự thảo báo cáo).

Báo cáo nêu một số kiến nghị cho quy hoạch TPHCM, trong đó có việc xây dựng Luật quản lý và phát triển thành phố đặc biệt. Các nội dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo, bao gồm đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựngkết cấu hạ tầng cấp quốc gia, và cấp vùng trên địa bàn thành phố; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TPHCM phát triển các siêu dự án đầu tư chiến lược; đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trong lĩnh vực công nghệ, kiến nghị xoay quanh việc đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch. Việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống các trung tâm chuyên ngành: kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá thể thao, giáo dục, khoa học công nghệ cũng được đề xuất tại dự thảo.

TPHCM là đô thị đặc biệt

Tại hội thảo tham vấn quy hoạch TPHCM diễn ra ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, TPHCM là đô thị đặc biệt, cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với khu vực, thế giới; là trung tâm lớn kinh tế hàng đầu của cả nước cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn cho vùng cả nước.

Đề nghị xây dựng trục không gian chủ đạo sông Sài Gòn ảnh 2

Dự thảo quy hoạch TPHCM đã được tổ chức lấy ý kiến tham vấn

Thời gian vừa qua, sự phát triển của TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động vào tăng trưởng của thành phố thấp hơn trung bình cả nước. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu lạc hậu, dựa nhiều vào ngành thâm hụt lao động. Dịch vụ chủ yếu dựa vào thương mại, vận tải, các ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, y tế, giáo dục, du lịch chưa đóng được vai trò chủ đạo.

Tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập. Kết cấu hạ tầng đô thị đang quá tải so với phát triển nhanh của dân số, chậm phát triển các hạ tầng khu đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm, dẫn đến đời sống của người dân đô thị chưa cao.

Trong đó, các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, ngập úng ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với đô thị lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu đô thị ven sông, hướng biển.

“Các tỉnh, thành khác vượt lên, TPHCM chậm lại. Sắp tới, lợi thế cửa ngõ quốc tế chắc chắn sẽ suy giảm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền theo quy định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị TPHCM tiếp tục rà soát, hoàn thiện, trong đó cần đánh giá cụ thể hơn, rõ hơn nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế dẫn đến các điểm nghẽn, nút thắt; từ đó xác định vai trò, sứ mệnh của thành phố trong vùng, cả nước, khu vực và quốc tế; xác định các trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên phát triển và có giải pháp phù hợp; phải có các giải pháp đột phá để giải quyết ba vấn đề: ùn tắc giao thông, ô nhiễm và ngập úng.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM xác định quy hoạch lần này phải nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế, khai thác hết các tiềm năng, không gian, động lực mới. TPHCM xác định sẽ đảm nhận vai trò trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế; xác định vai trò, vị trí của mình trong phát triển đất nước.

MỚI - NÓNG