Đối tác chiến lược không phải bằng lời nói
Việt Nam và Pháp mới đây thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Ông nghĩ thế nào về triển vọng phát triển quan hệ sắp tới giữa hai nước?
Kể từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Mitterrand vào tháng 2/1993 đến chuyến thăm Pháp năm 2013 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, quan hệ hai nước đã có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt, Việt Nam và Pháp đã ký kết hiệp định quan hệ đối tác chiến lược. Hiện Việt Nam đã ở một trình độ phát triển hoàn toàn khác, trở thành một nước trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình.
“Quan điểm của Pháp về giải quyết tranh chấp về lãnh thổ trong khu vực hết sức rõ ràng: Phải giải quyết các xung đột này qua đàm phán hòa bình và trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt liên quan các vấn đề về biển đảo phải tôn trọng Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc”Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier
Ưu tiên của quan hệ Pháp và Việt Nam hiện nay không còn là sự viện trợ của Pháp dành cho Việt Nam nữa, mà là một quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi. Trên phương diện kinh tế, cả hai bên đều mong muốn làm sao ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp sang làm ăn tại Việt Nam, kết hợp với các đối tác tại Việt Nam tạo nên các liên minh để sản xuất sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường mới. Tôi rất mong ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn tại Pháp. Trên phương diện hợp tác văn hoá, giáo dục, lượng sinh viên Việt Nam sang Pháp du học ngày càng đông hơn, ngược lại, có nhiều sinh viên Pháp sang học tập tại Hà Nội và TPHCM.
Tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược không thể hiện qua lời nói mà bằng thực tế, không chỉ bó hẹp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các cơ quan hai bên mà còn giữa chính phủ với chính phủ. Chúng ta có rất nhiều dự án lớn, trong lĩnh vực công nghiệp, các dự án nhà máy điện hay trong lĩnh vực giao thông. Các doanh nghiệp của cả hai bên hưởng rất nhiều lợi ích từ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Quan hệ giữa chính phủ với chính phủ sau khi nâng lên quan hệ đối tác chiến lược có rất nhiều trao đổi liên quan các mối quan tâm chung, như vấn đề xung đột trong khu vực, Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc… Ngoài ra, trong lĩnh vực mang tính chiến lược là quốc phòng, hai bên cũng có trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị quân sự giữa hai nước. Năm ngoái, chúng ta đã phóng vệ tinh quan sát Trái đất của Việt Nam. Pháp sắp thành lập trường đại học khoa học và công nghệ Hà Nội. Đối với các bộ, ngành khác, có thể đưa ra rất nhiều ví dụ về quan hệ đối tác chiến lược đã được nâng lên. Điều đó thể hiện một sức bật năng động, một niềm tin mới trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam.
Ngoài Việt Nam, Pháp còn ký hiệp định đối tác chiến lược với nhiều quốc gia khác không, thưa ông?
Chúng tôi đã ký quan hệ hợp tác chiến lược với một số nước trên thế giới, tuy nhiên ở khu vực châu Á thì tương đối hạn chế. Theo tôi biết, Pháp ký quan hệ đối tác chiến lược với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia. Tuy nhiên, phải nói rằng, quan hệ giữa Pháp và Việt Nam hết sức đặc biệt. Quan hệ giữa hai nước rất đặc thù, có những điều không có trong quan hệ song phương giữa các quốc gia khác. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người Pháp. Do mối quan hệ lịch sử rất đặc biệt giữa hai nước, nên chúng tôi mong muốn làm sao tạo nên nội dung rất thực chất trong quan hệ đối tác chiến lược.
Giữ nguyên cam kết trùng tu cầu Long Biên
Gần đây, ông có theo dõi câu chuyện thời sự ở Việt Nam về việc trùng tu cầu Long Biên không? Hình như ông không muốn nói về chuyện này?
Tôi không có ý lảng tránh đâu. Chỉ có điều vấn đề này không có nhiều cái mới mẻ, đây là hồ sơ đã có từ rất lâu rồi, báo chí gần đây mới xới lại vấn đề này. Khoảng năm 2007, Pháp cam kết sẽ tham gia tài trợ một phần trùng tu, cải tạo cầu Long Biên với mức khoảng 60 triệu euro. Cho đến nay, quan điểm của Pháp không có gì thay đổi, Pháp vẫn giữ nguyên cam kết của mình. Tuy nhiên, hồ sơ này vẫn chưa có bước tiến gì đáng kể, bởi cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ rằng sẽ cải tạo cầu Long Biên theo hướng nào, tất cả vẫn đang tiếp tục, chưa có được kết luận cuối cùng.
Cầu Long Biên là một di sản trong lịch sử chung giữa Pháp và Việt Nam. Tuy nhiên, đây là cây cầu của Việt Nam, vì vậy, quyết định cải tạo cầu thế nào thuộc về chính phủ Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội. Chừng nào còn chưa có quyết định cuối cùng, phía Pháp chưa thể cam kết các bước tiếp theo.
Quan điểm chính thức là như vậy, còn ý kiến cá nhân ông thì sao?
Cầu Long Biên là công trình lịch sử, kiến trúc có giá trị cao, bởi vì đây là một trong những công trình hiếm hoi có kết cấu thép quy mô lớn vào thời điểm đầu thế kỷ 20. Mặt khác, chúng ta biết rằng, cây cầu mang một giá trị tình cảm đối với người dân, bởi nó là nhân chứng của nhiều sự kiện đáng nhớ qua các thời kỳ lịch sử.
Có thể nói, cầu Long Biên là một biểu trưng của Hà Nội, khi nói đến các công trình dấu ấn của Hà Nội, người ta thường nói đến chùa Một Cột và cầu Long Biên như hai công trình mang tính biểu trưng cao nhất.
Cuối cùng, cầu Long Biên còn có giá trị về du lịch, khách du lịch khi đến Việt Nam rất mong muốn thăm cây cầu mang nhiều giá trị này. Tôi nghĩ rằng, cầu Long Biên mang nhiều giá trị mà chúng ta cần cân nhắc làm sao bảo tồn, gìn giữ.
Cảm ơn ông.