Đại biểu Quốc hội nặng lòng “món nợ” về Biển Đông

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn
TPO - Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Vấn đề Biển Đông một lần nữa nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.   

Đề cập đến “khoản nợ” của Quốc hội khóa XIII với cử tri và nhân dân, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, đó là thái độ, lời nói và hành động của Quốc hội trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đại biểu dự báo năm 2016, sẽ là một năm thách thức trong vấn đề này.

“Những ngày vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Việt Nam, có thống nhất với Việt Nam sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông. Thế nhưng từ đầu năm họ đã mang pháo, tên lửa đất đối không, mới đây là mang tên lửa đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là điều hết sức lo lắng”, đại biểu Sơn bày tỏ.

Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng còn nhiều băn khoăn khi nhiều vấn đề Biển Đông chưa được làm rõ. “Cử tri cho rằng, chúng ta chưa có những phản ứng đúng với tình hình biển Đông. Tôi đề nghị Quốc hội khóa XIV lưu ý vấn đề này”, đại biểu Nghĩa gửi gắm tâm tư.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, những vấn đề bức xúc khi bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông là thử thách bản lĩnh của đại biểu Quốc hội và cả Quốc hội. Tuy nhiên, qua “bức tranh tổng kết nhiệm kỳ”, đại biểu lại nhận thấy “Biển Đông vẫn chưa ngừng gợn sóng”.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho biết, ngoài biển Đông, tàu, thuyền của ngư dân vẫn luôn bị đe dọa, bị khủng bố với sự xua đuổi, đâm, húc ác nghiệt của âm mưu bành chướng. 

Điều đó khiến đại biểu cảm thấy những thử thách, khó khăn của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ. “Quốc hội và toàn thể bộ máy nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với tình hình”, đại biểu Tâm nói.

Đề cập đến mối lo ngoại xâm, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) phản ánh việc  rung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. 

“Chúng ta có chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, nhưng họ ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia”, đại biểu Dung băn khoăn.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), hoạt động ngoại giao tác động trực tiếp đến người dân. Làm sao cho đi biển yên tâm, không bị ai đàn áp, làm sao cho biển không còn gợn sóng, làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền đất nước.

“Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất tiếng nói của dân, nhiều phản ứng chúng tôi cho còn chậm”, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.