Bất đồng Indonesia-Trung Quốc trên biển Đông: Có thể đưa ra tòa quốc tế

Tàu hải cảnh Trung Quốc trên biển Đông. Ảnh: Erik de Castro
Tàu hải cảnh Trung Quốc trên biển Đông. Ảnh: Erik de Castro
TP - Sau vụ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép, một quan chức Indonesia hôm qua nói rằng, Indonesia cảm thấy những nỗ lực của họ nhằm duy trì hòa bình ở biển Đông “bị phá hoại”, và nước này có thể đưa bất đồng trên biển với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Indonesia lâu nay tự coi mình là “người hòa giải trung thực” trong những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia… Vụ việc xảy ra cuối tuần qua liên quan một tàu tuần tra Indonesia với một tàu hải cảnh cùng một tàu cá Trung Quốc trong vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền đã khiến Jakarta giận Bắc Kinh.

Indonesia nói rằng, tàu tuần tra của họ hôm 19/3 cố gắng bắt giữ một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Natura. Tám thuyền viên Trung Quốc bị bắt nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc ngăn cản phía Indonesia tịch thu tàu đánh cá. “Chúng tôi cảm thấy những nỗ lực của mình bị cắt đứt và phá hoại”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, ngày 21/3 nói với các phóng viên tại Jakarta sau cuộc họp với các quan chức Trung Quốc để thảo luận vụ việc.

“Chúng tôi có thể đưa vấn đề ra tòa án trọng tài quốc tế về luật biển”, bà Pudjiastuti nói. Tại cuộc họp báo, Phó tư lệnh Hải quân Indonesia, ông Arie Henrycus Sembiring, cho biết, hải quân nước này sẽ đưa tàu lớn hơn để hỗ trợ các tàu tuần tra trong khu vực. “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Indonesia”, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói với các phóng viên sau khi gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nhắc lại quan điểm rằng, tàu cá khi đó đang hoạt động trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, yêu cầu Indonesia thả các ngư dân và khẳng định tàu hải cảnh Trung Quốc không đi vào vùng biển của Indonesia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua nói thêm rằng, bất kỳ tranh chấp trên biển nào cũng cần được giải quyết bằng đối thoại.

Dù Indonesia và Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng căng thẳng giữa hai nước thỉnh thoảng vẫn bùng phát, chủ yếu vì vấn đề đánh bắt cá. Tháng 3/2013, các tàu có vũ trang của Trung Quốc đối đầu một tàu tuần tra của Indonesia để đòi thả các ngư dân Trung Quốc bị bắt trong vùng biển Natura.                               Tương tự, năm 2010, một tàu thực thi pháp luật Trung Quốc cưỡng ép một tàu tuần tra của Indonesia phải thả một tàu cá trái phép khác của Trung Quốc.

Trung Quốc đe Nhật chớ nêu biển Đông tại G7

Liên quan tình hình biển Đông, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo vừa dẫn các nguồn tin ngoại giao nói rằng, Trung Quốc vừa gây sức ép để Nhật Bản không đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 5 tới. Các nguồn tin nói rằng, hồi cuối tháng 2, khi làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Kong Xuanyou, gay gắt phản đối Tokyo công khai chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông.

Ông Kong cũng bày tỏ nghi ngờ liệu Tokyo có muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh hay không. Đại diện Trung Quốc cảnh báo cách tiếp cận của Nhật Bản tại hội nghị G7 sẽ là phép thử xem liệu quan hệ song phương có thể được cải thiện hay không, và rằng Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao. Ông Sugiyama đáp lại rằng, nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông bằng sức mạnh quân sự là điều không thể tha thứ và rằng Nhật Bản sẽ ủng hộ lợi ích chung của cộng đồng quốc tế về việc duy trì pháp quyền trên biển.

Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền trong tuyên bố của hội nghị sau khi thúc đẩy sự đoàn kết về vấn đề biển Đông tại cuộc họp của các ngoại trưởng G7 sẽ diễn ra tại Hiroshima vào tháng 4. Nếu Nhật Bản nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị, sự tức giận của Trung Quốc có thể đảo ngược những dấu hiệu cải thiện quan hệ Trung - Nhật vốn đang căng thẳng vì tranh chấp trên biển Hoa Đông. Hội nghị thượng đỉnh G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Mỹ và nước chủ nhà Nhật Bản, dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 27/5. 

Philippines vừa ca ngợi thỏa thuận mới đạt được nhằm cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ của họ, cho rằng việc này sẽ giúp tăng cường năng lực phòng thủ và bảo vệ biển của họ, báo Philstar đưa tin. Theo đó, các lực lượng Mỹ sẽ được luân chuyển trong 5 căn cứ của Philippines, bao gồm căn cứ không quân Antonio Bautista nằm trên đảo Palawan, đối diện biển Đông. Một địa điểm khác là căn cứ không quân Basa, trụ sở của đội máy bay chiến đấu chính của Philipines, cũng nằm gần vùng biển tranh chấp. Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg, nói rằng, các lực lượng và thiết bị quân sự của Mỹ sẽ “đến rất sớm”.

MỚI - NÓNG