Tăng cường hoạt động xây cất quy mô lớn tại Hoàng Sa
Sau khi tiến hành chiến dịch lấp biển bồi đắp các bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, hiện Trung Quốc bắt đầu quay sang tiến hành các hành động tương tự tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đã đánh chiếm trái phép từ tay chính quyền Saigon vào các năm 1956 và 1974. Báo chí Hong Kong cho biết, hiện Trung Quốc đang ráo riết hút cát, bồi đắp ở nhóm 7 thực thể Đảo Bắc, Đảo Trung, Đảo Nam, Cồn cát Bắc, Cồn cát Trung, Cồn cát Nam và Đảo Cây trong nhóm An Vĩnh (cùng nhóm với đảo Phú Lâm). Các tàu cuốc san hô, tàu hút cát công suất lớn đang hoạt động nhằm nối liền 7 thực thể trong vòng cung san hô được Trung Quốc đặt tên là “Thất Liên Tự” với nhau, tạo thành một đảo dài, nâng diện tích Đảo Bắc từ 1,3km2 hiện nay trở thành hòn đảo có diện tích tới 15km2, lớn hơn cả đảo Phú Lâm.
Quan chức của cái gọi là “thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam” được Trung Quốc thành lập trái phép từ năm 2012 tiết lộ kế hoạch sắp tới: Sân bay Phú Lâm vừa hoàn thành công trình mở rộng, kéo dài đường băng trong năm nay sẽ chính thức khơi thông các tuyến bay dân sự với quốc tế, hoạt động du lịch ra Hoàng Sa sẽ được mở cửa với bên ngoài. Tiêu Kiệt, người đứng đầu cái gọi là “Tam Sa thị” mới đây lên tiếng khoe: Các thiết bị liên quan phục vụ nghiệp vụ hàng không dân dụng và đài điều khiển sân bay đã xây dựng xong; sẽ mở các tuyến hàng không và tàu thủy chở khách du lịch tới Hoàng Sa.
Các bức ảnh mới được chụp từ vệ tinh cho thấy Đảo Bắc và Đảo Trung đã được nối liền với nhau, 7 thực thể nay đã thành 6. Tờ Đại Kông Báo của Trung Quốc Đại Lục xuất bản ở Hồng Kông số ra ngày 7/3 tiết lộ: Một phương án thiết kế nối liền 3 đảo: Đảo Bắc, Đảo Trung và Đảo Nam đã được phê duyệt hồi tháng 5/2014, giải quyết vấn đề giao thông khó khăn giữa các đảo. Sau khi 7 thực thể này nối liền với nhau, một sân bay có đường băng dài 3.500m và một cầu cảng sẽ được xây dựng tại Đảo Cây, đồng thời “Thất Liên Tự” sẽ được nối với đảo Phú Lâm bằng một cây cầu vượt biển có chiều dài mấy chục kilomet. Tờ báo này cũng tiết lộ: Để chuẩn bị cho việc thực hiện mưu đồ này, ngay từ tháng 7/2014, Trung Quốc đã thành lập 5 cơ quan: Ủy ban công tác, Ủy ban quản lý, Trạm công an biên phòng, Trạm công tác chấp pháp tổng hợp và Trung tâm chỉ huy dân binh của cái gọi là “Thất Liên Tự”, trụ sở chính đặt tại Đảo Cây (mà họ gắn cho cái tên “Triệu Thuật”).
Tàu Trung Quốc đang hút cát để nối liền các thực thể ở cụm Đảo Bắc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc ráo riết hiện thực hóa cái gọi là “Tam Sa thị” bằng cách đưa người ra sinh sống ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đại Kông Báo cho biết, hiện nay trên thực thể 7 đảo có diện tích đất nổi 1,32km2 này đã có 200 người sinh sống, chủ yếu ở Đảo Cây. Tờ Giải phóng quân báo tiết lộ, hiện ở Hoàng Sa có tổng cộng 1.000 người, chủ yếu là binh lính.
Ngoài ra vệ tinh còn chụp được các hình ảnh một bãi đáp trực thăng đang được thi công ở đảo Quang Hòa, cho thấy Bắc Kinh có thể đang phát triển một hệ thống các căn cứ ở biển Đông để hỗ trợ cho các trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm như những chiếc ASW Z-18F mà Trung Quốc vừa triển khai.
Âm mưu hợp thức hóa trên thực tế chủ quyền đối với Hoàng Sa
Hàn Phương Minh, sinh 1966, Tiến sĩ, Ủy viên Chính Hiệp (mặt trận) toàn quốc, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Chính Hiệp, Phó Tổng biên tập kiêm Chủ nhiệm Bộ biên tập tạp chí “Ngoại giao công cộng” Trung Quốc tuần trước đã đệ trình trước Chính Hiệp bản Đề án kiến nghị xây dựng đảo Phú Lâm (họ gọi là Vĩnh Hưng), đảo chính của quần đảo Hoàng Sa thành một trung tâm tài chính xa bờ, mời cháo các công ty toàn cầu đến đăng ký hoạt động.
Hàn Phương Minh đề nghị xác định đảo Phú Lâm là khu quản hạt xa bờ, là đầu tàu để tăng cường phát triển kinh tế trên biển Đông, thông qua các biện pháp chính sách và pháp luật để thăm dò việc xây dựng Trung tâm dịch vụ tài chính xa bờ. Ông ta đề xuất, nếu Phú Lâm trở thành khu quản hạt thì chính quyền chỉ thu phí quản lý các công ty hàng năm, không thu thêm bất cứ khoản thuế nào để biến nơi này trở thành “Thiên đường tránh thuế” giống như ba trung tâm đăng ký công ty xa bờ lớn nhất thế giới hiện nay là Bermuda, Cayman Islands và British Virgin Islands.
Nhóm 7 đảo, bãi trong cụm Đảo Bắc đang được Trung Quốc bồi đắp thành 1 đảo nhân tạo lớn.
Theo Hàn Phương Minh, thông qua việc khai thác trung tâm tài chính xa bờ, thu hút số lượng lớn các công ty, xí nghiệp nước ngoài đến đăng ký sẽ “khiến cho chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo Nam Hải (biển Đông) được quốc tế thừa nhận, giúp cho chiến lược Nam Hải của Trung Quốc được thực thi toàn diện thông qua giao lưu tài chính quốc tế”. Ý đồ thâm hiểm của Hàn Phương Minh bộc lộ rõ: “Thu hút các công ty trên toàn cầu, bao gồm các công ty của các nước xung quanh và các nước phương Tây đến Vĩnh Hưng (Phú Lâm) đăng ký, để chính quyền địa phương quản lý họ, thực chất là gia tăng quy mô cho hoạt động ngoại giao nhà nước, khiến Nam Hải trở thành điểm nóng giao lưu tài chính quốc tế, củng cố địa vị chính trị và kinh tế của Trung Quốc ở Nam Hải”.
Liên tiếp đưa vào sử dụng phương tiện mới trên Biển Đông
Đầu năm nay, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tàu Hải cảnh 2901 – con tàu cảnh sát biển tuần duyên lớn nhất thế giới có lượng giãn nước tới 12 nghìn tấn, tốc độ 22 hải lý/h, được trang bị 2 pháo hạm, 2 pháo phụ, 2 súng phòng không, máy bay trực thăng Z-8 với sân đỗ và nhà chứa trực thăng. Báo chí Trung Quốc viết: Con tàu 4 động cơ diesel công suất lớn được nước ngoài gọi là “Quái thú trên biển này” chiếm ưu thế tuyệt đối so với các tàu chấp pháp trên biển của các nước xung quanh cả về khả năng hoạt động liên tục, khả năng đâm va lẫn tốc độ. Việc đưa Hải cảnh 2901 vào sử dụng “sẽ phát huy tác dụng quan trọng trong việc tăng cường quản lý, kiểm soát vùng biển mà Trung Quốc chủ trương”.
Quái thú trên biển Hải cảnh-2901 được đưa vào sử dụng.
Đầu tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng âu tàu di động (ụ nổi) khủng “Hoa Thuyền – 1”. Đây là âu tàu tự hành có thể đi xa, tiếp nhận và sửa chữa tại chỗ các loại tàu mặt nước (trừ tàu sân bay), tàu ngầm…có lượng giãn nước dưới 3 vạn tấn. Tân Hoa xã hôm 10/3 cho biết: Việc chế tạo và đưa vào sử dụng “Hoa Thuyền-1” là sự đột phá đánh dấu hải quân Trung Quốc đã có đủ năng lực trong việc cơ động bảo đảm duy tu, sửa chữa các chiến hạm lớn hoạt động xa bờ. Theo quảng cáo, đây là một nhà máy sửa chữa tàu biển hiện đại với hơn 100 công nhân, gồm đầy đủ các phân xưởng, được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, vũ khí phòng không, chống cướp biển, có thể hoạt động trong điều kiện sóng cấp 6.
Ngày 7/3, Hải quân Trung Quốc tiếp nhận, đưa vào sử dụng cùng lúc 3 tàu đổ bộ tăng hiện đại có lượng giãn nước 5.000 tấn (số hiệu 914, 915, 917) được trang bị pháo hạm và máy bay trực thăng nhằm tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ đánh đảo khi xảy ra chiến sự, cũng như đảm nhiệm nhiệm vụ vận tải tiếp tế, cứu hộ cứu nạn… trong thời bình.
Sử dụng ngư dân làm lực lượng tranh chấp trên biển
Bí thư tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh phát biểu tại kỳ họp Chính Hiệp đang họp ở Bắc Kinh: Chính quyền Hải Nam hiện đang “huấn luyện phòng vệ”, hỗ trợ đóng tàu và nhiên liệu cho các ngư dân đi hoạt động ở biển xa. La nói: Hải Nam có nhiều tàu cá vỏ sắt lượng giãn nước 400 tấn, to hơn cả tàu chiến một số nước Đông Nam Á; ngoài việc đánh cá, các tàu này còn “thay mặt chính phủ quấy rối các tàu nước ngoài trên Nam Hải (tức biển Đông), nhất là tàu chiến của Mỹ”. Ông ta khoe, tháng 10/2015, tàu khu trục Larsen của Mỹ khi vào gần đảo nhân tạo Subi mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa đã bị mấy tàu dân sự và tàu cá của ngư dân bao vây, thậm chí chạy cắt mũi để ngăn cản. La Bảo Minh nói đây là kiểu “chiến tranh nhân dân trên biển”, năm nay Hải Nam sẽ chi 125 triệu NDT (753 tỷ VNĐ) để làm thiết bị lưỡng dụng (cả dân, quân sự) cho ngư dân, hỗ trợ họ mua dầu và trợ cấp để họ tham gia “giữ biển”.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh phát biểu: Ngư dân đóng vai trò có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ quyền lợi biển vì họ nắm chắc tình hình thủy văn, khí hậu và các tin tình báo ở vùng biển tranh chấp. Thời bình, ngư dân có thể cung cấp cho quân đội các tin tình báo mới nhất; thời chiến họ là lực lượng chi viện hậu cần chuyên nghiệp nhất, cung ứng thực phẩm và nước uống cho hải quân.
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu dừng lại những hoạt động quân sự hóa biển Đông mà họ đã tiến hành suốt từ tháng 2 năm ngoái.