Băn khoăn vì chưa có nghị quyết về biển Đông

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long nói không biết trả lời thế nào với cử tri về vấn đề biển Đông dù nhiệm kỳ đã chuẩn bị kết thúc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long nói không biết trả lời thế nào với cử tri về vấn đề biển Đông dù nhiệm kỳ đã chuẩn bị kết thúc.
TP - Thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội (QH), Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các đại biểu đều đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trên trong việc vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ mà nhiệm kỳ đã đề ra.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự day dứt trước nhiều vấn đề của đất nước chưa được giải quyết thỏa đáng.

Biết nói sao với cử tri về biển Đông!

Đề cập đến câu chuyện biển Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long nói, trong các báo cáo đều khẳng định “giữ vững độc lập chủ quyền”. Tuy nhiên từ ngày giải phóng miền Nam đến nay, một phần đất ở Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng, rồi họ xua đuổi, đánh đập ngư dân Việt Nam. “Tại sao QH không có nghị quyết chính thức về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, trong khi Mỹ, các nước EU đều chính thức có ý kiến. Tôi không biết nói với cử tri thế nào khi dân hỏi về Trường Sa, Hoàng Sa”, ông Long trăn trở.

Phó Tổng Thư ký QH Lê Minh Thông cho biết, có nhiều cử tri băn khoăn về vấn đề biển Đông. “Khi Trung Quốc kéo giàn khoan đến, đứng trước nguy cơ xung đột nhưng QH ta rất bình tĩnh. Những phản ứng của chúng ta trước hành động đó đã được sự đồng tình của cử tri chưa thì chưa dám chắc. Cử tri muốn chúng ta mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa”, ông Thông nói.

Trưởng đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thẳng thắn nói rằng, QH còn nặng nợ với cử tri rất nhiều. “Dân đặt niềm tin vào đại biểu QH, mong muốn chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ nhưng chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn”. Ông Nghĩa dẫn chứng, trong nhiệm kỳ vừa qua có nhiều vụ oan sai xảy ra, gây bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, nếu QH giám sát kỹ thì chắc chắn những vụ việc oan sai, oan ức, đơn thư khiếu nại sẽ hạn chế tối đa, đem lại niềm tin cho nhân dân. Ông Nghĩa chỉ ra, đến nay, dù đã có Luật Bồi thường Nhà nước nhưng chưa thấy cá nhân nào gây oan sai cho người dân phải bồi thường.

Cơ chế xin - cho làm đại biểu “chùn tay”  

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, mỗi đại biểu QH là đại diện cho 200 nghìn người dân, 500 đại biểu tức là đại diện cho gần 100 triệu nhân dân cả nước nên trách nhiệm là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình bầu cử vẫn để cho những đại biểu không xứng đáng vào QH, rồi phải đi đến bãi nhiệm người này, miễn nhiệm người kia.

“Với tư cách là đại biểu QH, chúng tôi thấy đau lòng và xót xa. Trách nhiệm thuộc về ai phải làm rõ chứ? Chúng tôi hy vọng QH khóa tới, việc chúng ta cần chuẩn bị làm thật tốt đó là chọn con người. Hãy chọn cho trúng, cho đúng, chọn được những người thực sự vì dân, thực sự có năng lực, bản lĩnh, có trách nhiệm với đất nước và nhân dân”, ông Quyền đề xuất.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bộc bạch: “Nhiều đại biểu không dám nói hết điều muốn nói, vì sợ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương. Khi phát biểu đều phải suy nghĩ được gì, mất gì”.

Theo bà Tâm, nếu không bỏ được cơ chế xin - cho bao cấp, không phân cấp phân quyền cho địa phương thì không thể khắc phục được những hạn chế khi thảo luận tình hình kinh tế, xã hội. “Nếu đại biểu nói mạnh, nói đúng với thực tiễn thì sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương. Đại biểu không dám phát biểu hết suy nghĩ, không bao giờ phát biểu thẳng thắn. Phát biểu vì thế có khi thờ ơ với cuộc sống, không mang hơi thở cuộc sống”.

Góp ý cho QH khóa XIV, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị phải đổi mới phương thức hoạt động của QH để gần dân hơn, đại biểu gần dân hơn. “Chứ như hiện nay có cảm giác QH càng ngày càng hành chính hóa hoạt động của ĐBQH. Phải có cơ chế gì để QH gần dân hơn”, bà Tâm bày tỏ.

Đề cập đến việc kiện toàn nhân sự trong kỳ họp này, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị phải hướng đến việc xây dựng Chính phủ thành Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. “Chính phủ, các bộ nếu cứ mất nhiều thời gian vào xử lý công việc kinh doanh của tập đoàn Nhà nước thì không theo đúng tinh thần tư duy mới của Chính phủ kiến tạo. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng quyết liệt, nhưng không phải Bộ trưởng nào cũng làm chuyển động ngành mình được. Bộ trưởng nào nói được, làm được, làm chuyển biến ngành mình thì dân rất thích, đánh giá rất cao. Nếu Bộ trưởng cứ nói ghi nhận, nghiên cứu, chờ Chính phủ, chờ Trung ương, chờ QH thì người dân không ủng hộ”, ông Phúc nói.

MỚI - NÓNG