CNN dẫn nguồn tin từ nhóm nhà hoạt động có tên "Raqqa đang bị tàn sát lặng lẽ" (RBSS), cho biết cảnh hành quyết bằng ném đá và chặt đầu diễn ra thường xuyên tại thành phố này. Mọi góc phố đều có chốt kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trường học bị đóng cửa. Những mặt hàng chocolate, chuối trở thành đồ xa xỉ do nhiều người không có việc làm.
"Chúng tôi không phải đang sống. Chúng tôi làm gì có cuộc sống", một phụ nữ 27 tuổi nói với RBSS. RBSS là một trong số ít nguồn tin có thể cập nhật tình hình Raqqa, nơi IS tuyên bố là thủ phủ của "đế chế" mà chúng thiết lập ở Syria.
Hàng nghìn người dân Raqqa không liên quan tới IS. Họ đang phải sống trong sự kìm kẹp của luật Hồi giáo hà khắc, không thể chạy trốn vì các tuyến đường bị phong tỏa, chốt kiểm soát ở khắp nơi. Tất cả những gì họ viết trên Internet đều bị IS kiểm duyệt, RBSS cho biết.
Theo RBSS, lực lượng tuần tra gồm toàn nữ của IS gần đây bắt đầu xuất tại một số khu vực, chặn và khám xét cả phụ nữ. Hình phạt đối với những người vi phạm quy định là tàn nhẫn.
"Thị trấn ma"
Ngoài tình trạng bạo lực đang diễn ra, người dân Raqqa còn sống với nỗi lo sợ những quả bom rơi từ trên trời xuống.
Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu ném bom các mục tiêu IS tại Syria, bao gồm Raqqa, từ tháng 9/2014. Nga, Pháp và Anh mới đây đều đã đưa chiến đấu cơ tới Syria, nhiều cuộc không kích nhắm vào thủ phủ của IS.
Một phụ nữ 27 tuổi giấu tên cho biết khu vực nhà chị bị trúng bom. "Tôi không nhìn thấy gì cả... trên trời có một vài máy bay không người lái", người này nói. Nơi đây như một "thị trấn ma" bởi không có điện, dù các tòa nhà vẫn còn đứng vững.
Pháp không kích dữ dội vào Raqqa từ sau loạt vụ khủng bố Paris ngày 13/11 mà IS nhận trách nhiệm, làm 130 người thiệt mạng. Các chiến đấu cơ đã ném bom một sở chỉ huy, một trung tâm tuyển quân, một kho đạn và một trại huấn luyện tại Raqqa, quân đội Pháp cho biết.
Một chiến binh IS ra đường cùng ba cô vợ trùm kín từ đầu đến chân hôm 6/11. Phụ nữ tại Raqqa bị cấm ra đường một mình. Ảnh: RBSS.
Tuy nhiên, những quả bom của Pháp có thể cũng sát hại nhầm dân thường. IS đã rút khỏi một số vị trí sau khi dự đoán các vụ ném bom, RBSS khẳng định. Đường phố hiện vắng vẻ hơn, chợ cũng thưa người hơn thường lệ.
Abdalaziz al-Hamza, đồng sáng lập RBBS, nói IS vẫn cố thủ tại Raqqa dù chúng phải liên tục di chuyển vì bị oanh tạc.
Một trong những kẻ không kịp trốn thoát là Mohammed Emwazi, biệt danh "phiến quân John". Đây là tên khủng bố người Anh thường bịt mặt và công kích phương Tây, được xem như người phát ngôn và đao phủ của IS. Tình báo Mỹ khẳng định đã tiêu diệt Emwazi trong đợt không kích do máy bay không người lái thực hiện tháng trước.
Phiến quân IS thường dùng người dân làm bia đỡ đạn bằng cách sống trong cùng tòa nhà với họ và dùng trường học làm trụ sở. "Mọi người sợ các cuộc không kích dù họ thực sự hy vọng rằng chúng sẽ giải thoát họ khỏi IS", một nhà hoạt động của RBSS cho biết.
Raqqa từng là một trong những thành phố tự do nhất tại Syria. "Bạn có thể làm bất cứ điều gì như hút thuốc, mặc trang phục tùy thích", al-Hamza nói.
Năm 2013, các nhóm phiến quân, gồm cả IS lúc đó ít được biết tới, chiếm Raqqa. Chúng kéo đổ tượng cựu tổng thống Syria Hafez al-Assad và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc. Mọi thứ sau đó thay đổi nhanh chóng. Mỗi sáng thức dậy thành phố lại trở nên bảo thủ hơn, theo RBSS.
Các quy định, được gọi là "Bayanaat", thường xuất hiện trên những bức tường trong thành phố, hạn chế quyền của phụ nữ như đi lại một mình, cách ăn mặc hoặc thậm chí cấm để lộ tóc. Một số quy định có thể được truyền miệng như cấm hút thuốc lá, cấm quay phim chụp ảnh.
Nhiều người tại Raqqa nói họ không muốn sống dưới sự cai trị của IS nhưng không còn lựa chọn.
"Cả thế giới nên biết chúng tôi không phải IS. Chúng tôi là những người chống lại chúng mạnh mẽ nhất. Chúng tôi là những người chịu đựng tội ác của chúng nhiều nhất", một nhà hoạt động thuộc RBSS nói. Ước mơ của chúng tôi, giống như mọi người, là có một cuộc sống "bình thường".
Raqqa hiện không còn trường học hay việc làm. Bác sĩ, giáo viên, luật sư đều thất nghiệp và muốn có việc thì phải gia nhập IS. Thiếu tiền có nghĩa là thiếu thốn mọi nhu yếu phẩm hàng ngày. Nước và điện lúc có lúc không tùy theo ý thích của bọn cai trị nhưng mọi người vẫn tiếp tục hy vọng thoát khỏi IS.
"Tôi muốn vào đại học... làm việc và kiếm tiền, có một gia đình và một đất nước tự do", người phụ nữ 27 tuổi nói. "Hãy giúp chúng tôi tìm một cuộc sống".