Cơ hội & thách thức

Cơ hội & thách thức
TP - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội và sức ép rất lớn cho cải cách của Việt Nam. Như Nghị quyết 19 của Chính phủ đòi hỏi thông quan cửa khẩu phải thực hiện trong 10 ngày, nhưng TPP đòi hỏi phải thông quan trong 48 giờ (2 ngày, khi hiệp định có hiệu lực); TPP đòi hỏi tất cả doanh nghiệp phải cam kết không đút lót, không phần trăm, không nhân nhượng gì… Nếu vi phạm sẽ mất ưu đãi, thậm chí họ có thể kiện lại mình vì làm ăn không nghiêm chỉnh.

Ngân hàng Thế giới (WB), đánh giá Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, khi GDP có thể tăng 8%, xuất khẩu tăng hơn 17%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm 11,9%... khi TPP có hiệu lực. Với cộng đồng doanh nghiệp (DN), TPP trao cơ hội để Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị, chuỗi liên kết toàn cầu. Như gạo Việt Nam chưa có nhãn mác, thương hiệu, giờ có thể làm nhãn mác, rồi tìm DN Mỹ thừa nhận và nhập khẩu vào thị trường nước này, như vậy gạo Việt sẽ được miễn thuế, trong khi gạo Thái Lan, Ấn Độ (không phải thành viên TPP) phải chịu thuế suất 7% khi vào Mỹ. Tất cả đó là cơ hội.

TPP cũng mở ra cơ hội rất lớn về hợp tác nông nghiệp với Nhật, nên hiện một số DN Nhật đã tới Đà Lạt để hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất rau, củ, quả, hoa tươi không chỉ xuất khẩu sang Nhật mà cả các nước khác. Ngoài ra, Nhật cũng quan tâm tới vừng, tôm, cá ngừ… của Việt Nam. Tuy vậy, các đối tác sẽ đòi hỏi chúng ta phải nghiêm chỉnh trong làm ăn, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy vậy, để đạt được yêu cầu TPP và hưởng ưu đãi không phải dễ. Không nên nghĩ TPP là chiếc bánh biếu xén, ưu đãi cho nhau, mà phải phấn đấu, nỗ lực mới đạt được. Sức ép để phấn đấu, nỗ lực tiến lên đó là đáng mừng. Cơ hội ngay trong tầm tay, nếu không cố gắng, nỗ lực để giành được là điều đáng tiếc với Việt Nam.

Đặc biệt, việc cho phép công đoàn độc lập thể hiện quyết tâm cải cách rất lớn của Việt Nam. Nhưng vấn đề là thực hiện điều đó thế nào? Muốn phát triển phải có cạnh tranh. Với công đoàn độc lập, yêu cầu đặt ra với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất lớn, phải nỗ lực hơn để cải tiến hoạt động.

Những yêu cầu khác của TPP, như về điều kiện lao động, lao động trẻ em, lao động nữ, môi trường, sở hữu trí tuệ… đều nằm trong các công ước quốc tế. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta dựa vào đó để có lao động giá rẻ, chi phí sản xuất thấp, nay phải từ bỏ. Nhưng chúng ta cũng có thời gian ân hạn vài năm để thực hiện từng bước sau khi TPP có hiệu lực, nhưng đó là lời nhắc nhở nghiêm khắc để chúng ta cố gắng hơn nữa.

TS Lê Đăng Doanh

MỚI - NÓNG