Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, khi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì từ 70 – 95% dòng hàng hóa được xóa bỏ thuế quan ngay. Còn lại xóa bỏ theo lộ trình từ 3 – 10 năm, một số hàng hóa nhạy cảm sẽ xóa bỏ với lộ trình từ 11 – 16 năm.
Theo bà Hằng, ngành thủy sản thế mạnh mũi nhọn của ĐBSCL như tôm, cá tra được coi là một trong các ngành hàng có lợi nhất khi tham gia TPP, hơn hẳn dệt may vì thủy sản nuôi trồng tại chỗ, năng suất cao. Còn dệt may chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc nên phải truy rõ xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, hạn chế của thủy sản là xuất khẩu thô, giá trị không cao. Nếu xuất khẩu có trục trặc sẽ bị ứ đọng, ảnh hưởng đến nông dân và doanh nghiệp. Hiệp định TPP có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia chiếm 40% tổng GDP toàn cầu với hơn 28.000 tỷ USD.