Vào AEC, TPP: Việt Nam phải “rộng cửa” tài chính

Vào AEC, TPP: Việt Nam phải “rộng cửa” tài chính
TP - Việc gia nhập cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đặt lĩnh vực ngân hàng trước rốt ráo đổi mới mạnh.

Chủ đề trên được đề cập tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội và ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” (Ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì). Hội thảo cũng tập trung làm rõ các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế từ lý thuyết đến thực tiễn; Tác động của các nền kinh tế lớn, của tiến trình hội nhập (đa phương và khu vực) đối với phát triển kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp, các ngành kinh tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo NHNN, Việt Nam đã và đang từng bước nới lỏng dần các quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và hiện nay đối với lĩnh vực ngân hàng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%, đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Tuy nhiên, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ trong AEC, đến hết năm 2015, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư trong khối có thể tham gia tới mức 70% vốn tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng nước thành viên. “AEC đã là bước tiến đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa hơn nữa đối với lĩnh vực tài chính so với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo NHNN, bên cạnh việc nới lỏng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào sân chơi nội địa, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật... Thêm vào đó, TPP sẽ là bước ngoặt đòi hỏi Việt Nam và các nước tham gia phải cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Điều này đồng nghĩa với việc không cần phải có thủ tục cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con (có vốn 100% nước ngoài) như theo thỏa thuận trong WTO, khi TPP được ký kết, Việt Nam vẫn sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các ngân hàng nước ngoài trên thị trường trong nước.

MỚI - NÓNG