“Hiệp định hoàn tất sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, nói.
Dự báo, trong 20 năm tới, TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP cho Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Dù TPP sẽ đem lại nhiều thách thức, nhưng tác động chung của hiệp định này đối với Việt Nam là tích cực.
WB đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài, tăng trưởng GDP ước đạt 6,5% năm nay. Mức tăng trưởng như thế chủ yếu do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân. “Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kì trung hạn của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định.
Báo cáo chỉ ra viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực, dự báo đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn, và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khoá sẽ ảnh hưởng mức độ bền vững của nợ công.