Chuyên gia môi trường cảnh báo:

GDP tăng gấp đôi, ô nhiễm tăng gấp ba

Rác thải ngập đường dân sinh Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Rác thải ngập đường dân sinh Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phát biểu tại Hội nghị Môi trường lần thứ IV hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các chuyên gia môi trường quốc tế cảnh báo, trong 10 năm tới GDP Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng ba lần, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường làm mất đi 3% GDP.

Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh

Trong hai ngày 29 & 30/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV (5 năm một lần) để  nhìn nhận, đánh giá về công tác bảo vệ môi trường 5 năm qua cũng như đề ra phương hướng cho 5 năm tới.

Theo báo cáo đánh giá tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng kể như nguồn gây ô nhiễm giảm dần về số lượng và mức độ tác động, cả nước có 392/439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. 

Việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào nước ta ngày càng giảm so với giai đoạn trước, hiện chỉ còn 5.411 container hàng tồn đọng tại cảng biển. Tỷ lệ nước thải, chất thải rắn được thu gom, xử lý tăng trong khi chất thải nguy hại được quản lý tốt hơn. 

Nhiều vùng bị ô nhiễm đã được khắc phục và cải tạo, trong đó đáng kể nhất là những điểm nóng về ô nhiễm dioxin như sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường mới, khó lường và phức tạp, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với những gì chúng ta dự báo trước đó, trận lũ lụt lịch sử 40 năm qua ở Quảng Ninh và hạn hán khủng khiếp ở Ninh Thuận vừa qua là ví dụ.

 Biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng chuyển dịch chính sách như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều chỉnh định hướng phát triển. Điều này đặt ra cho Việt Nam phải sớm nắm bắt xu thế và có những bước đi phù hợp.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề xuyên biên giới ngày càng phức tạp, khó lường. Việc gia tăng xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước, nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học.

Xây dựng lối sống thân thiện môi trường

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dù đạt được nhiều kết quả bước đầu song phải thẳng thắn thừa nhận công tác bảo vệ môi trường ở nước ta còn nhiều yếu  kém.

 “Cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế cho rằng, trong 10 năm tới GDP Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần, thậm chí có thể 4-5 lần, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại ô nhiễm môi trường làm mất đi 3% GDP. Đây là cảnh báo chúng ta phải rất quan tâm trong bối cảnh vẫn còn tình trạng coi trọng phát triển trước mắt hơn là bảo vệ môi trường lâu dài”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường công tác truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về môi trường, xây dựng và phát triển xã hội văn minh, người dân có lối sống ứng xử thân thiện với môi trường. 

Kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực của cán bộ các cấp ngành môi trường. Tăng cường da dạng hóa nguồn vốn cho bảo vệ môi trường, ưu tiên tăng cường vốn ODA giải quyết các tồn tại môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe người dân, huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích xã hội đầu tư theo hình thức hợp tác công tư.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, phát triển công nghiệp cacbon thấp, hình thành các sản phẩm xanh, dịch vụ xanh, không cho phép các dự án kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, kiểm soát chặt chẽ, không để nước ta thành bãi rác công nghệ.  

Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao công tác dự báo, phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm cũng như tăng cường hợp tác với quốc tế, nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc sau 2015, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

MỚI - NÓNG