Nhà máy ô nhiễm 'bức tử' nội đô

Giường ngủ nhà chị Thuận chỉ cách bể chứa chất thải Nhà máy bia Đông Nam Á chừng vài mét.
Giường ngủ nhà chị Thuận chỉ cách bể chứa chất thải Nhà máy bia Đông Nam Á chừng vài mét.
TP - Chủ trương di dời nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại Hà Nội đã có từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm nhà máy gây ô nhiễm chưa được di dời, hằng ngày xả khói, chất thải ra khu dân cư…

Bài 1: Gối đầu lên… chất thải nhà máy bia

Hằng ngày, nhiều hộ dân sống quanh Nhà máy bia Đông Nam Á phải hít thở mùi hôi thối bốc ra từ khu vực bể xử lý chất thải nằm ngay sát đường đi. Khoảng cách từ giường ngủ nhiều gia đình đến bể chất thải nhà máy nơi gần nhất chỉ chừng vài ba mét.

“Gia đình tôi sắp chết rồi!”

Chúng tôi có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Thuận, trú tại số 1 ngách 45 ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng vào giữa buổi chiều nắng hầm hập. Vừa dựng xe trước cửa nhà, mùi hôi thối đã xộc vào mặt. Từ phòng ngủ nhà chị Thuận ở tầng hai, chúng tôi mở cửa bước ra ban công và không tin được vào mắt mình vì ngay trước mặt, tiếp giáp với ban công là bể xử lý chất thải đang cuồn cuộn chảy. Những dòng nước đen ngòm, đặc sánh thối hoắc dềnh lên trong bể mà không có bất cứ vật liệu gì che chắn.

Gương mặt hốc hác hơn so với tuổi, chị Thuận vừa nói chuyện với phóng viên nước mắt vừa tuôn chảy trên hốc mắt quầng thâm. Theo chị Thuận, gần hai chục năm qua, gia đình chị phải chung sống với tình trạng ô nhiễm từ nhà máy sản xuất bia. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất là từ khoảng 1 tháng trở lại đây. Mùi thối từ bể xử lý chất thải xộc vào nhà suốt ngày. “Ngay cả trong giấc ngủ, mặc dù đóng kín cửa mùi thối vẫn rất khó chịu. Nơi các cháu ngồi học bài cũng ngay sát bể chất thải. Gia đình chúng tôi sắp chết rồi!”, chị Thuận mếu máo.

Bà Phạm Thị Hằng, trú tại số nhà 36 ngõ Hòa Bình 7 cũng chung cảnh ngộ như nhà chị Thuận. Bà Hằng cho biết thường xuyên phải đóng tất cả các cửa nhìn ra khu bể xử lý chất thải của nhà máy bia vì tình trạng ô nhiễm đã rất nghiêm trọng. Bà Hằng cho rằng cần có sự kiểm tra y tế vì ngay trong ngách 46 ngõ Hòa Bình 7 có tới 8 người chết trong thời gian gần đây do bệnh ung thư. Nhiều người khác ốm đau quặt quẹo quanh năm. “Tôi cho rằng có sự liên hệ giữa tình trạng ốm đau của người dân sinh sống sát nhà máy bia với ô nhiễm môi trường”, bà Hằng kiến nghị.

Phớt lờ quy định về môi trường

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường như trên, người dân đã liên tục có đơn thư gửi lên phường và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bản thân nhà máy bia chưa lần nào tổ chức trao đổi, giải đáp các ý kiến của người dân. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hồ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai cho biết, Nhà máy bia Đông Nam Á có chủ đầu tư là Công ty TNHH nhiên liệu và năng lượng tái tạo Thuận Phát (trụ sở chính tại TPHCM). Nhà máy đã nhiều lần vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Điển hình ngày 25/5/2015, UBND quận Hai Bà Trưng đã xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng do gây tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn, đồng thời đình chỉ hoạt động của lò hơi trong khu vực nhà máy. Ngày 12/8 vừa qua, Đoàn Thanh tra của Bộ TN&MT bắt quả tang nhà máy này xả thải trực tiếp nước thải không qua xử lý vào hệ thống thoát nước chung của khu dân cư. Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, Nhà máy bia Đông Nam Á giải trình: Để nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước chung chỉ là “sự cố” và đã được khắc phục…

Tuy nhiên, theo UBND phường Minh Khai, mặc dù quyết định xử phạt hành chính vào tháng 5/2015 nhưng đã gần 4 tháng qua, nhà máy vẫn không chấp hành nộp phạt theo quy định, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. “Chúng tôi cho rằng cần có biện pháp cưỡng chế nhà máy phải nộp phạt theo quy định”, đại diện UBND phường nói. Lãnh đạo UBND phường Minh Khai cho rằng, toàn bộ diện tích đất nhà máy đang thuê của thành phố Hà Nội gần 3.000m2 nằm lọt giữa khu dân cư đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Do thời hạn thuê đất chỉ còn 8 năm nên nhà máy ít đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị. “Mỗi lần xe container ra vào chở bia, cả tuyến đường Minh Khai, ngõ Hòa Bình 7 lại ùn tắc. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên phường, đề nghị di dời nhà máy. Phường chỉ có chức năng kiến nghị lên cấp trên thôi”, ông Hồ Việt Hùng nói.

Dân cần, quan chưa vội?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho hay, chủ trương di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết nhưng thực tiễn lại không đi vào cuộc sống, không biến thành hiện thực. Năm 2003 khi có Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, sau đó UBND thành phố có ban hành Kế hoạch 150 năm 2010. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng chỉ nằm trên giấy bởi thiếu các văn bản, chỉ đạo cụ thể thực hiện.

Đại diện Sở TN&MT thừa nhận rằng, để có đủ căn cứ bắt buộc các cơ sở sản xuất phải di dời thì phải tiến hành quan trắc, đánh giá tác động môi trường đầy đủ với các cơ sở sản xuất mà điều này thì chưa được triển khai! Thành phố đã có chỉ đạo mới về vấn đề này nhưng thái độ của lãnh đạo nhiều quận, huyện còn khá thờ ơ và đến nay mới có 15/30 quận, huyện báo cáo.

Lãnh đạo UBND phường Minh Khai cho rằng, toàn bộ diện tích đất nhà máy đang thuê của thành phố Hà Nội gần 3.000m2 nằm lọt giữa khu dân cư đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...