Trên đây là nhận định của bà Suzanne DiMaggio, chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Mỹ, người giúp Washington tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.
Chia sẻ trên tờ South China Morning Post, bà Suzanne DiMaggio cho rằng, Mỹ nên nắm bắt thời cơ này "bằng chiến lược kép", tức là vừa gây áp lực cao nhất (lệnh trừng phạt), vừa tạo cam kết mạnh mẽ nhất để đàm phán với chính quyền Triều Tiên.
Triều Tiên để ngỏ cánh cửa đối thoại
Bà DiMaggio nói: "Cách tốt nhất là tập trung vào việc ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển hơn nữa ICBM là thông qua một thỏa thuận về việc đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa".
Theo nhận định của bà DiMaggio, Triều Tiên dường như hiểu ra rằng, một lúc nào đó, họ sẽ phải trở lại bàn đàm phán để giảm bớt căng thẳng vì cuộc khủng hoảng hạt nhân đang diễn ra rất khó lường.
Bà DiMaggio tiếp tục cho rằng, Mỹ phải quyết định dành ưu tiên cao nhất cho chính quyền Triều Tiên vào thời điểm này và gác qua một bên những mục tiêu khác.
Vào đầu tháng 5 vừa qua, bà DiMaggio đã tổ chức cuộc đàm phán không chính thức ở Oslo, Na Uy với sự tham gia của ông Choe Son-hui, người đứng đầu Văn phòng Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên và ông Joseph Yun, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên. Đây là cuộc đàm phán không chính thức đầu tiên giữa Washington và Bình Nhưỡng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tại cuộc đàm phán này, hai bên đã thương lượng về việc thả sinh viên Mỹ Otto Warmbier , 22 tuổi, đang bị giam cầm ở Bình Nhưỡng, người sau này đã chết sau khi được trả tự do về Mỹ.
Sau cuộc họp ở Oslo, ông Choe đã nói với các phóng viên rằng, Bình Nhưỡng đã mở ra đối thoại với Mỹ trong "điều kiện đúng đắn". "Nếu điều kiện được đáp ứng, chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với Washington", ông Choe nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra những tuyên bố tương tự trong một cuộc phỏng vấn hãng Bloomberg hồi tháng 5 vừa qua, rằng ông sẽ "vinh dự" được gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong hoàn cảnh thích hợp.
Triều Tiên thực sự nghiêm túc với vấn đề đối thoại?
"Chúng ta cần phải kiểm tra xem liệu Triều Tiên có nghiêm túc đối với vấn đề đối thoại hay không. Và cách duy nhất để làm việc đó là nói chuyện với họ ", bà DiMaggio nói thêm.
Bà DiMaggio cũng tuyên bố rằng, cần có các biện pháp "ngoại giao mạnh mẽ", bằng cách thúc đẩy "áp lực tối đa", chẳng hạn như thông qua các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Cuộc thử nghiệm ngày 4/7 mà Triều Tiên khẳng định là ICBM có khả năng tấn công bang Alaska, Mỹ được xem là vượt qua lằn ranh đỏ. Bà DiMaggio nói: "Không thể phủ nhận là Triều Tiên tập trung phát triển các hệ thống vũ khí hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ".
"Rõ ràng, lãnh đạo Triều Tiên đang xem chương trình hạt nhân như 'cứu cánh' duy nhất chống lại sự thay đổi chế độ. Vị thế này đã trở nên chắc chắn hơn trong vài năm qua.
Họ cho rằng, Mỹ sẽ không tấn công một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Bây giờ, Triều Tiên có khả năng vũ khí hạt nhân và ICBM, họ có một vị thế mạnh mẽ để quay trở lại đàm phán," bà DiMaggio nhận định.
Bà Nikki Haley, Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cũng cho biết tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ rằng, Mỹ sẵn sàng sử dụng các khả năng để đối phó với Triều Tiên, bao gồm cả "lực lượng quân đội".
"Thực tế, hành động quân sự không phải là lựa chọn khả thi, bởi tấn công Triều Tiên có thể gây thương vong cho dân thường và thiệt hại nghiêm trọng cho Hàn Quốc, cũng như với Nhật Bản và các lực lượng của Mỹ đặt tại khu vực này. Rủi ro là quá lớn", bà DiMaggio nói.
Mỹ sai lầm khi trông chờ vào Trung Quốc?
Bà DiMaggio cho rằng, dựa vào Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên là "một cách tiếp cận sai lầm", bởi lẽ lợi ích của Mỹ ở Triều Tiên không nhất thiết phải phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.
Chính quyền ông Trump đã thúc ép Bắc Kinh sử dụng các mối quan hệ kinh tế với Triều Tiên để làm đòn bẩy để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Thực tế cho thấy, Bắc Kinh cũng không muốn áp dụng những chế tài trừng phạt Bình Nhưỡng vì lo ngại nguy cơ sụp đổ của chế độ Triều Tiên và điều này có thể dẫn tới một đợt di dân khổng lồ tràn vào Trung Quốc.
Theo bà DiMaggio, Mỹ cần phải thay đổi cách nhìn về Trung Quốc . Mỹ không nên trông cậy hoàn toàn vào Trung Quốc mà nên mời gọi Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và các nước châu Âu vào cuộc.
"Mỹ sẽ đóng vai trò lãnh đạo các cầu thủ đá trên cùng một sân theo một chiến thuật hợp lý", bà DiMaggio nói.