Chuyên gia chỉ ra những quan điểm sai lầm về điều trị bệnh ung thư

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Những quan điểm sai lầm trong điều trị ung thư tại Việt Nam như coi ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái đã khiến người bệnh ung thư không chỉ "tiền mất tật mang" mà còn nguy hiểm tính mạng...  

Theo thống kê của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính tại Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Bên cạnh đó vấn đề đáng lo ngại là số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020.

Người bệnh ung thư không phải ăn kiêng

Tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề Ung thư không phải dấu chấm hết” do Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện K Trung Ương với sự đồng hành của nhãn hàng CumarGold Kare thuộc Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI tổ chức chiều ngày 26/5 tại Bệnh viện K, các chuyên gia ung bướu đã thẳng thắn chỉ ra những quan điểm sai lầm trong điều trị ung thư tại Việt Nam như coi ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái… khiến người bệnh không chỉ “tiền mất tật mang” mà còn dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí cả tử vong.

Theo GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, hiện cũng có quá nhiều sai lầm trong điều trị ung thư, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư nhịn ăn để tế bào ung thư không phát triển hay không dám đi đám ma vì sợ mỗi lần đi đám ma tế bào ung thư lại phát triển nhanh hơn; cá biệt có người còn tìm tới các phương án tâm linh hay tự nhốt mình, tự than thân trách phận là do bản thân mình ăn ở không tốt nên mới mắc bệnh hay mắc ung thư là do trời trừng phạt...

Về quan điểm nhiều người cho rằng ung thư không nên ăn đồ ngọt, không ăn đạm và chỉ nên ăn gạo lứt, muối mè… để bệnh không tăng nhanh, GS. TS Nguyễn Bá Đức phân tích, chẳng hạn người bệnh bị thận thì không nên ăn mặn sẽ gây ứ nước, suy thận; người có bệnh tiểu đường khi ăn nhiều đường có thể gây ra nhiều biến chứng, do đó không nên ăn thực phẩm có nhiều hàm lượng đường; hay người bị suy gan thì không nên ăn thực phẩm khó tiêu.

“Trên thực tế số bệnh phải ăn kiêng không nhiều, còn hầu hết các bệnh khác thì người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ, đặc biệt là người bị bệnh ung thư không phải ăn kiêng mà ngược lại phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng mới có sức chịu được các biện pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Nếu có trường hợp một bệnh nhân vừa mắc bệnh ung thư và có thêm bệnh khác thì ăn kiêng là vì bệnh khác. Chẳng hạn như vừa ung thư vừa có bệnh tiểu đường thì phải kiêng ăn đường để bệnh tiểu đường không tăng nhanh làm ảnh hưởng dến quá trình điều trị ung thư…” – GS.TS Nguyễn Bá Đức chỉ rõ.

Về quan điểm người bị ung thư không nên đi viếng đám ma vì sợ tế bào ung thư phát triển nhanh, GS. Đức cho hay, đến nay chưa có quan điểm khoa học nào chỉ ra có mối liên hệ giữa hai vấn đề này. Do đó, người bị bệnh ung thư hoàn toàn có thể đi viếng đam ma như người không mắc bệnh.

Kỳ thị người bị bệnh ung thư là tội ác

Tại buổi tọa đàm này, BS Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K kể trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, BS Hương gặp một trường hợp có bệnh nhân mắc ung thư thường xuyên bị mẹ chồng xúc phạm là đồ ung thư, làm khổ con bà, tiêu tốn tiền của của gia đình bà dù sau quá trình điều trị bệnh nhân đã khỏe mạnh và có đi làm việc trở lại.

Tuy nhiên, theo BS Hương không riêng trường hợp bệnh nhân này mà có không ít bệnh nhân ung thư bị xa lánh, do đó, BS Hương lên án mạnh mẽ về việc kỳ thị, xa lánh bệnh nhân ung thư. Chị cho rằng việc “kỳ thị người bị bệnh ung thư là một tội ác” vì bệnh ung thư hoàn toàn không lây nhiễm, đồng thời kêu gọi cộng đồng chia sẻ, quan tâm hơn nữa đến nhóm bệnh nhân này.

Theo BS Hương, trên thực tế với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong điều trị bệnh ung thư trên thế giới và riêng tại Việt Nam trong điều trị ung thư nên một số loại ung thư đã được chữa khỏi. Tuy nhiên hiện nay vẫn có quá nhiều quan điểm sai lầm của bệnh nhân ung thư, nhất là có nhiều người bệnh dù mới chỉ mắc ung thư giai đoạn sớm nhưng đã tuyệt vọng, đã coi như mình mắc “án tử” hoàn toàn nên đã không tiếp cận các phương pháp điều trị mà bác sĩ tư vấn.

Đồng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Bá Đức đưa ra lời khuyên với bệnh nhân ung thư: Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có nhiều phương pháp chữa ung thư có hiệu quả, đem lại cơ hội chữa lành cho nhiều bệnh nhân do vậy ung thư không phải là dấu chấm hết, quan trọng là, khi bị ung thư cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời và tin tưởng vào bác sĩ điều trị để tránh các tình huống đáng tiếc như đã từng có bệnh nhân đang điều trị ung thư nhưng lại bỏ giữa chừng để dùng thuốc của thầy lang. “Khi quay trở lại bệnh viện thì bác sĩ đã “bó tay” hoàn toàn vì tế bào ung thư đã di căn khắp. Lúc đó bác sĩ chỉ còn điều trị giảm đau cho bệnh nhân mà thôi”- GS Đức kể lại

Để tránh mắc và chống lại căn bệnh ung thư, người dân cần am hiểu những kiến thức cơ bản về ung thư cũng như các phương pháp điều trị và phòng tránh. Từ đó, có lối sống lành mạnh và khoa học.

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.