1001 lý do trẻ dễ bị tai nạn, chấn thương vào mùa hè

1001 lý do trẻ dễ bị tai nạn, chấn thương vào mùa hè
TPO - Ngày hè, khi trẻ kết thúc một năm học cũng là lúc phụ huynh nên chú ý đến con mình nhiều hơn, không chỉ đối với trẻ nhỏ, mà những trẻ trên 10 tuổi cũng có thể gặp nguy hiểm từ những trò chơi hết sức thân thuộc này.  

Mùa hè - mùa của… đuối nước, bỏng

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM, bước vào những tháng hè thì tai nạn ở trẻ em có chiều hướng gia tăng.

Tháng 5 tháng 6, số lượng trẻ đến cấp cứu vì đuối nước, phỏng, thậm chí là rắn, bọ cạp cắn,… sẽ nhiều hơn, kéo dài cho đến khi năm học mới bắt đầu. Phần vì nắng nóng, trẻ ở nông thôn (nhất là các tỉnh miền Tây) sẽ tự mình đi tắm sông, hồ. Tuy biết bơi nhưng một khi trẻ đã xuống nước thì rất nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận những nhận trường hợp trẻ từ 7 đến 10 tuổi bị đuối nước, có những trẻ may mắn được phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời nên thoát khỏi tử thần. Nhưng cũng có trẻ khi được đưa đến bệnh viện đã bị chết não, suy hô hấp.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết: “Trong các ca cấp cứu tại bệnh viện, trẻ nông thôn bị tai nạn về đuối nước rất nhiều. Mặc dù trẻ em ở vùng sông nước hầu hết đều biết bơi nhưng người lớn cũng nên giám sát trẻ khi trẻ xuống nước.

Dưới nước có rất nhiều rủi ro như trẻ bị hụt chân, bị hút vào cống thoát nước, chuột rút, bơi vào vùng nước xoáy,… Thậm chí khi có một trẻ trong nhóm gặp sự cố, nếu không biết cách cứu thì những trẻ khác cũng sẽ bị bạn mình nắm chặt và đuối nước theo.

Bên cạnh đó, đáng báo động nhất có lẽ là những trường hợp trẻ nhỏ bị phỏng nước sôi, phỏng lửa, điện giật… Thậm chí, nhiều trẻ cũng phỏng bô xe máy gây ra.”

Như trường hợp của bé L.T.T.N. (4 tuổi, quê Kiên Giang) bị ngã nguyên người vào nồi nước sôi mà mẹ mình đang nấu, bé H. bị phỏng cấp độ 3, diện tích phỏng 40%. Bé bị nhiễm trùng nặng, sốc phỏng, mất dịch, tổn thương đa cơ quan, nhất là bộ phận sinh dục và hậu môn, có thể tử vong bất kỳ lúc nào.

1001 lý do trẻ dễ bị tai nạn, chấn thương vào mùa hè ảnh 1

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết, có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ, nhất là vào mùa hè trẻ được nghỉ học thì tai nạn càng xảy ra nhiều hơn.

Để cứu bé H., các bác sĩ tại bệnh viện phải lập tức mở hậu môn nhân tạo, cắt lọc da hoại tử, phẫu thuật cắt lọc mô chết, truyền nước khẩn cấp,…

Mẹ của bé rùng mình nhớ lại: "Từ trước đến nay, khi nấu nước bao giờ tôi cũng kêu con ra ngoài chơi, không cho lại gần bếp. Lúc nước sôi, tôi đặt nồi xuống dưới đất, đi lấy cây quạt để thổi cho mau nguội. Tôi vừa quay đi, N. và anh trai nó đùa giỡn, rượt đuổi nó bị té ngã vào nồi nước sôi".

Trẻ ở thành phố, 1001 lý do bị tai nạn

Theo bác sĩ Phương, không chỉ riêng với trẻ ở nông thôn, ở thành thị trẻ em cũng bị rất nhiều tai nạn mà người lớn không thể ngờ. Ngoài bỏng điện, bỏng nước sôi, trẻ em ở thành phố cũng bị đuối nước ngay tại trong nhà của mình.

“Trẻ ở giai đoạn bò, tập đi thường rất thích nghịch nước. Với những chậu, lu nước đầy thì trẻ ít bị ngạt nước nhưng với những chậu nước ít, trẻ thường chúi đầu vào chơi nên dễ té ngã vào trong, dẫn tới tai nạn thương tâm. Thế nên, nếu nhà nào có trẻ nhỏ, thì phải thường xuyên để mắt tới trẻ, không nên cho bé chơi 1 mình.

1001 lý do trẻ dễ bị tai nạn, chấn thương vào mùa hè ảnh 2

Những trẻ dưới 5 tuổi rất tò mò và nhanh nhẹn, chỉ cần cha mẹ quay lưng đi là bé bị ngã ngay

Ngoài ra, không nên để các vật chứa nước trong khu vực bé chơi đùa để tránh tai nạn không đáng có. Trường hợp gần đây nhất là một em bé 17 tháng tuổi bị ngã úp mặt vào chậu nước, khi bé được đưa đến bệnh viện thì đã ngưng tim, ngưng thở, không thể cứu chữa được rất thương tâm”, bác sĩ Phương cho biết.

Khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện cũng cấp cứu khá nhiều trẻ bị té ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng cũng hay bị té ngã xuống đất, nhẹ thì chấn thương, gãy tay, nhưng cũng có trẻ liệt tứ chi, có trẻ bị hàng rào sắt xuyên qua người.

1001 lý do trẻ dễ bị tai nạn, chấn thương vào mùa hè ảnh 3 Bác sĩ Phương đang kiểm tra cho bé trai bị tai nạn khi đi hồ bơi
Đặc biệt, tỉ lệ trẻ bị tai nạn giao thông ở thành phố rất cao so với trẻ ở nông thôn, nhiều trẻ đi với cha mẹ nhưng do trẻ thường tinh nghịch, cha mẹ vừa rời mắt là tập tức trẻ chạy nhảy, băng qua đường và tai nạn thương tâm xảy ra. Bác sĩ Phương cũng lưu ý phụ huynh khi chở con nếu bằng xe hơi phải cài dây an toàn cho trẻ.

Khi đi xe máy, không thắt dây giữa trẻ và người lớn, vì khi ngã xuống đường trẻ sẽ bị chấn thương nặng nề hơn. Di chuyển bằng xe máy nên để trẻ ngồi phía trước, khi trẻ ngồi phía sau phải có người lớn đi kèm.

Bác sĩ Phương khuyến cáo, trời nóng, phụ huynh đưa trẻ đi tắm hồ bơi cũng phải luôn để mắt đến trẻ, đừng phó mặc cho bảo vệ ở hồ.

“Trong hồ bơi có rất nhiều trẻ, bảo vệ thì ít người và không biết trẻ nào biết bơi, chiều cao trẻ ra sao. Họ cũng không thể kiểm soát hết được số lượng trẻ trong hồ, đến khi tai nạn xảy ra thì mọi chuyện đã rồi. Vì vậy, phụ huynh không nên rời mắt khỏi trẻ trong suốt quá trình trẻ tắm tại hồ bơi”, bác sĩ Phương nói thêm.

Ngoài ra, hóc dị vật khi trẻ chơi đùa cũng là một vấn đề mà cha mẹ nên lưu ý, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi.

(Tổng hợp theo Phunu TP. HCM)
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.