Ca phẫu thuật có sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong đó giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức là phẫu thuật viên chính. Ca mổ bắt đầu lúc 12h30 và kết thúc sau gần 3 tiếng đồng hồ.
Theo một bác sĩ tham gia kíp mổ, chiếc kéo nằm ở bên trái ổ bụng, sát đại tràng, dài gần 15 cm. Khi được lấy ra, nó bị gãy và hoen gỉ một chút ở vị trí tay cầm. Chiếc panh chọc thủng đại tràng của bệnh nhân, nên các bác sĩ phải tiến hành khâu nối. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa, bệnh nhân có thể xuất viện.
Chiếc panh được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh sau 18 năm. Ảnh: Báo Tin tức.
Trước đó, ông Ma Văn Nhật, 54 tuổi, ở Bắc Kạn vào Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám sau một lần thấy đau nhói ở bụng. Kết quả siêu âm phát hiện một chiếc panh dài khoảng 15 cm trong bụng.
Theo ông Nhật, trừ lần phẫu thuật cách đây 18 năm, ông chưa phải vào viện mổ lần nào nữa. Khi đó là tháng 6/1998, ông bị tai nạn giao thông khiến ghi đông xe đâm vào mạng sườn, được chuyển từ bệnh viện huyện ra bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chỉ định phẫu thuật. Sau mổ, ông vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường. Thi thoảng ông có thấy đau bụng nhưng vẫn chịu được, cộng thêm cứ 1-2 ngày là hết đau nên ông không đi khám.
Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Bắc Kạn nghiên cứu tìm nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm). Kết quả báo cáo về Bộ trước ngày 6/1.