Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, Đơn vị Tim mạch cho biết bệnh nhân vào viện lúc mê lúc tỉnh, mệt mỏi, vã mồ hôi, môi và đầu chi tím. Kết quả kiểm tra cho thấy bé bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ tuýp A. Các bác sĩ cấp cứu kiểm soát huyết áp tức thời cho bé nhằm hạn chế bóc tách lan rộng.
Theo bác sĩ Hiền, phình tách động mạch chủ tuýp A là bệnh tim nặng, bệnh nhân không được điều trị trong 72 giờ đầu thì nguy cơ tử vong tăng 1% cho mỗi giờ và hơn 90% tử vong sau 3 tháng nếu không can thiệp. Đây là bệnh lý thường gặp ở người lớn, khi phẫu thuật phải thay một đoạn động mạch chủ đồng thời thay van động mạch chủ.
"Bệnh nhi mới 12 tuổi, nếu thay van tim cơ học đòi hỏi phải sử dụng thuốc kháng đông suốt đời", các bác sĩ trăn trở. Sau khi hội chẩn cùng Bệnh viện Tim Hà Nội, kíp phẫu thuật quyết định lựa chọn phương pháp Tirone David để có thể bảo tồn van động mạch chủ.
Sau 6 giờ mổ, các bác sĩ đã thay thành công đoạn động mạch phình, bảo tồn van động mạch chủ, tạo hình động mạch vành phải và cắm lại hai lỗ động mạch vành vào mạch nhân tạo cho trẻ. Trải qua quá trình hồi sức nhiều căng thẳng, bệnh nhi hồi phục tốt, chức năng tim ổn định, không có dấu hiệu nhiễm trùng và vừa được xuất viện.
Tạo hình van động mạch chủ và thay đoạn mạch nhân tạo. Ảnh:P.T |
Gia đình cho biết bé được phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ sớm, đi khám nhiều nơi nhưng do bệnh phức tạp, độ rủi ro cao nên chưa quyết định phẫu thuật. Các bác sĩ khuyến cáo tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh khoảng 8 trên 1.000 trẻ. Phụ huynh cần quan tâm cho trẻ được tầm soát phát hiện để xử trí sớm, tránh các trường hợp bệnh nặng khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn.