Châu Âu ngăn vũ khí đến tay khủng bố

Cảnh sát kiểm soát gắt gao tuyến đường xuyên biên giới giữa Pháp và Đức nhằm đề phòng khủng bố.
Cảnh sát kiểm soát gắt gao tuyến đường xuyên biên giới giữa Pháp và Đức nhằm đề phòng khủng bố.
Toàn bộ 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất tăng cường siết chặt việc kiểm soát súng đạn sau vụ tấn công khủng bố vào Thủ đô Paris của nước Pháp khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) là Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/11 đã thông qua một gói các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát súng trên toàn lãnh thổ 28 nước thành viên liên minh. Theo Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, gói đề xuất gồm các biện pháp thắt chặt việc kiểm soát mua bán và sở hữu súng này sẽ giúp các nước EU đối phó tốt hơn với nguy cơ vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Những biện pháp tăng cường kiểm soát súng đạn được EU đưa ra ngay sau vụ khủng bố chấn động tại Thủ đô Paris của Pháp khiến ít nhất 128 người thiệt mạng. Trong hàng loạt vụ tấn công vào Paris đêm 13/11 vừa qua, những kẻ khủng bố được “vũ trang tận răng” bằng tiểu liên AK đời mới nhất cùng những chiếc đai chứa đầy thuốc nổ để đánh bom liều chết.

Trước vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, cảnh sát Đức ngày 5/11 đã bắt giữ một xe ô tô có chứa lượng lớn súng tiểu liên AK, lựu đạn và thuốc nổ có sức phá hủy tương đương số vũ khí trong vụ khủng bố ở Thủ đô nước Pháp, được cho là đang lên đường đến Pháp. Ngày 18/11, trong cuộc truy quét kẻ được cho là chủ mưu của vụ khủng bố đêm 13/11 tại khu ngoại ô St. Denis nằm ở phía Bắc Paris, cảnh sát Pháp sau khi đấu súng dữ dội với những kẻ khủng bố được trang bị vũ khí hạng nặng đã thu giữ tới 5.000 viên đạn.

Trước đó nữa, một tên khủng bố gốc Algeria với “bộ sưu tập”  một khẩu AK-47, một khẩu Uzi, một khẩu Sten, một khẩu súng hoa cải và vài khẩu súng ngắn cùng rất nhiều đạn đã gây ra vụ xả súng kinh hoàng quanh vùng Toulouse, làm 7 người thiệt mạng ngày 1/3/2012. Đầu năm nay, những kẻ khủng bố với súng AK-47 đã xông vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, gây ra vụ thảm sát 12 người chấn động dư luận thế giới.

Như vậy có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến bọn khủng bố có thể gây ra các vụ tấn công đẫm máu là do chúng được trang bị một lượng lớn vũ khí có khả năng sát thương cao. Cho dù Pháp và hầu hết các nước thành viên EU đều coi việc thường dân sở hữu súng là bất hợp pháp, song từ các vùng xung đột tại châu Âu thời gian qua, đặc biệt là khu vực Balkan, vũ khí đã được những kẻ buôn lậu đưa bất hợp pháp vào EU.

Theo ước tính, dù các cuộc xung đột tại Balkan đã cơ bản chấm dứt vào cuối những năm 1990, nhưng vẫn còn tới 6 triệu khẩu súng thuộc sở hữu của các nhóm vũ trang ở khu vực này và súng nhanh chóng trở thành “mặt hàng xuất khẩu chủ lực” của vùng Balkan tới thị trường EU. Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho rằng, một khi một khẩu AK hay thậm chí là súng phóng lựu có thể được mua dễ dàng với giá từ 300-700 euro tại châu Âu thì các nhóm tội phạm có tổ chức hoàn toàn có thể lập ra những kế hoạch tấn công tinh vi gây thương vong lớn.

Muốn chống khủng bố, bảo vệ được người dân ngay trong lòng các thành viên EU, đòi hỏi phải chặn bằng được vũ khí tới tay những kẻ khủng bố. Hy vọng, các biện pháp mạnh được EC thông qua sẽ sớm được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thông qua để có thể ngăn “lưỡi hái tử thần” lọt vào tay khủng bố.

Theo Theo An Ninh Thủ Đô
MỚI - NÓNG