“Chat” với tiến sĩ tuyển người với mức lương 7.000 USD

TPO - Chia sẻ quan điểm về mong muốn nhận mức lương khởi điểm 2.000 USD của bạn sinh viên “dậy sóng” trong mấy ngày qua, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức (tiến sĩ ngành công nghệ thông tin tại Đại học Tokyo, Nhật Bản) đang làm trưởng đại diện Cty phát triển phần mềm Trí tuệ nhân tạo cá nhân Alt Inc (Nhật Bản) tại Việt Nam cho rằng mức lương khởi điểm 2.000 USD không phải là không tưởng.

Theo TS Nguyễn Tuấn Đức cho rằng, mức lương khởi điểm 2.000 USD không phải là không tưởng với sinh viên vừa ra trường. Với các bạn sinh viên chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính thì mức lương này họ sẵn sàng chi trả, nếu bạn sinh viên đó có các công trình nghiên cứu ở các hội thảo, tạp chí quốc tế về Trí tuệ nhân tạo, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

“Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như sinh viên có tư duy tốt và giảng viên hướng dẫn sinh viên đó làm tốt nghiệp có kỹ năng nghiên cứu tốt”- TS Đức khẳng định.

Nhận xét về việc thiếu hụt kỹ năng của sinh viên Việt Nam mới ra trường, TS Nguyễn Tuấn Đức cho rằng, kỹ năng quan trọng nhất mà sinh viên vừa tốt nghiệp còn thiếu là tư duy về sản phẩm và thị trường.

“Các doanh nghiệp thường yêu cầu điều này ở tất cả các ứng viên, ngay cả với ứng viên thuộc về lĩnh vực kỹ thuật. Bạn cần phải có tư duy về sản phẩm và thị trường và quyết tâm đóng góp để doanh nghiệp có được sản phẩm tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu".

Là người được giao phải tuyển khoảng 50 nhân viên cho Công ty phát triển phần mềm Trí tuệ nhân tạo cá nhân Alt Inc (Nhật Bản) với mức lương rất hấp dẫn từ 3.500-7.000 USD nhưng gần một năm qua tuyển được con số chỉ đếm trên đầu ngón tay?, TS Nguyễn Tuấn Đức cho rằng, công ty đưa ra mức lương cao (so với mặt bằng chung cho lương kỹ sư phần mềm tại Hà Nội) nhằm thu hút các kỹ sư phần mềm tài năng ở trong nước và đang ở nước ngoài về làm việc tại Hà Nội.

“Tuy nhiên mức lương cao đồng nghĩa với yêu cầu cũng rất cao, ví dụ yêu cầu cần có các công trình nghiên cứu ở hội thảo, tạp chí quốc tế, yêu cầu kỹ năng lập trình tốt”- TS Đức cho biết thêm.

Thực tế TS Đức cho biết, anh đã phỏng vấn 10 ứng viên thì chỉ tuyển được 1, và thường ứng viên được tuyển có trình độ tiến sỹ hoặc thạc sỹ ở nước ngoài nhưng mới về Việt Nam làm việc. Vì yêu cầu rất cao nên số lượng tuyển được cũng rất ít.

Hạn chế nắm bắt công nghệ và nghiên cứu mới của thế giới

TS Nguyễn Tuấn Đức cho rằng, sinh viên Việt Nam có năng lực tư duy tốt, đặc biệt là trong ngành CNTT, Trí tuệ nhân tạo, do chúng ta sở hữu nền tảng toán học khá tốt.

Tuy nhiên sinh viên Việt nam còn hạn chế về khả năng nắm bắt các công nghệ và nghiên cứu mới nhất trên thế giới (do điều kiện giao lưu và hợp tác khoa học quốc tế còn chưa tốt lắm) và đôi lúc còn thiếu đam mê.

“Tôi nghĩ chúng ta hãy đam mê với công việc thì mức lương 2000 USD sẽ tự tìm đến chúng ta”- TS Đức chia sẻ.

Công ty phát triển phần mềm Trí tuệ nhân tạo cá nhân Alt Inc (Nhật Bản) đang chuẩn bị xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo với quy mô lớn bậc nhất châu Á tại Việt Nam. Alt Inc đã mời Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức về làm việc và chỉ đạo nghiên cứu tại văn phòng Hà Nội.

Năm 2010, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đức được Tổ chức Xúc tiến Công nghệ thông tin (IPA, thuộc Chính phủ Nhật Bản) tài trợ cho đề tài nghiên cứu "Phát triển công cụ tìm kiếm đa ngôn ngữ dựa trên quan hệ ẩn". Nghiên cứu này đã giành giải thưởng của Hội Trí tuệ nhân tạo Nhật Bản (JSAI), giải thưởng nghiên cứu của Google và Quỹ nghiên cứu Mircrosoft Core.


MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.