Những con số báo động
Ngày hội Văn hóa gia đình tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là dịp để các gia đình giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục con cái và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) - là một trong những diễn giả tham gia tọa đàm. |
Bà Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL - khẳng định trong lịch sử người Việt Nam ham đọc sách, nhưng việc đọc có thời điểm bị xao nhãng.
“Cơ chế thị trường mang đến nhiều thay đổi, khiến mức sống nâng lên nhưng lại khiến nhiều giá trị giảm xuống, trong đó có thói quen đọc sách. Đây là điều khiến người làm công tác thư viện như chúng tôi rất trăn trở”, bà Vũ Dương Thúy Ngà nêu.
Bà Thúy Ngà cho biết Việt Nam dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á về mặt chính sách dành cho việc khuyến đọc cho trẻ em nhưng hoạt động khuyến học còn chưa thực chất.
Cơ chế thị trường phần nào ảnh hưởng thói quen đọc sách của người dân Việt Nam. |
“Chúng ta vẫn cần nỗ lực. Nếu thư viện được coi là trái tim của nhà trường, trái tim ấy đang thoi thóp. Nếu so sánh giữa trường dân lập, trường quốc tế và trường công lập tại Việt Nam, rõ ràng trường quốc tế quan tâm đến việc đọc hơn hẳn. Sách của những trường công lập phần lớn là sách giáo khoa”, bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết.
Số lượng thẻ đăng ký thành viên của thư viện tại Việt Nam chưa đạt tới 10%. Việc đọc còn hạn chế dẫn tới năng lực tự học giảm xuống, kéo theo nhận thức, đạo đức trong giới trẻ dần xuống cấp, ý thức tham gia vào hoạt động cộng đồng cũng giảm theo.
Rèn kỹ năng tự đọc cho trẻ
TS. Nguyễn Quốc Vương - nhà nghiên cứu giáo dục, nhà hoạt động khuyến đọc - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức để khuyến đọc cho trẻ.
“Khác với thế giới, trong 100 người quan tâm việc học ở Việt Nam chỉ có 1-2 người quan tâm đến việc đọc của trẻ. Phần lớn phụ huynh quan tâm đến việc học hơn việc đọc. Việc học ở đây là làm bài tập, giải đề mà không phải rèn luyện kỹ năng tự học, tự đọc cho các con”, TS. Nguyễn Quốc Vương nêu.
TS. Nguyễn Quốc Vương - nhà nghiên cứu giáo dục - cho rằng phần lớn phụ huynh quan tâm đến việc học hơn việc đọc. |
Nhiều bậc cha mẹ vẫn nhầm lẫn, cho rằng việc học và việc đọc là hai việc tách rời. Đây cũng là lý do dẫn đến việc nhiều phụ huynh nói rằng con bận học nên không có thời gian đọc. TS. Nguyễn Quốc Vương cho rằng cần cổ vũ việc đọc, coi đó là mở đầu phát triển dân trí trong xã hội.
Việc đọc cũng cần được thực hiện theo hệ thống, bài bản, bắt đầu từ hình thành thói quen đọc sách và phát triển kỹ năng đọc, từ đó, xây dựng phương pháp chuyển hóa thành kỹ năng trong xã hội.
Văn hóa đọc trong những năm vừa qua có nhiều điểm đáng mừng nhưng chưa đủ. Chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình trong việc nâng cao văn hóa đọc.
Bà Wankada (Viện Giáo dục Shichida) giới thiệu về phương pháp giáo dục tại Nhật Bản. |
Khi đã có thói quen đọc, trẻ em cần được rèn luyện kỹ năng đọc, cách thức chuyển hóa khối lượng kiến thức đọc được vào cuộc sống. Việc đọc, áp dụng kiến thức vào cuộc sống được thực hiện liên tục, tuần hoàn từ đó hình thành văn hóa đọc.
Dịp này, bà Wankada (Viện Giáo dục Shichida) giới thiệu về phương pháp giáo dục tại Nhật Bản nhằm cân bằng, khơi dậy hứng thú học của bạn nhỏ từ 0 đến hơn 6 tuổi.
Việc hình thành thói quen đọc từ sớm giúp tăng khả năng đọc nhanh, tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn và tăng sự chủ động trong việc đọc, tạo sự hứng thú đối với sách.
Độc giả được tiếp cận ba cuốn sách nhằm hỗ trợ, thực hiện việc tự đọc, tự học gồm Đọc siêu nhanh, Thịnh vượng gia tộc và Siêu não phải.