Hình ảnh hiếm về Nhà hát Lớn, nhà tù Hỏa Lò, cầu Long Biên
TPO - Trưng bày “Một thoáng di sản” giới thiệu tư liệu, hình ảnh về 25 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến của Hà Nội như nhà tù Hỏa Lò, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn...
Ban quản lý (BQL) Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt trưng bày chuyên đềMột thoáng di sản từ ngày 1/7, kỷ niệm 25 năm ngày Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình (16/7/1999-16/7/2024).
Không gian trưng bày giới thiệu nhiều tư liệu, hình ảnh về 25 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến của Hà Nội. Hình ảnh hiếm của nhiều địa điểm quen thuộc như Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, pháo đài Láng... khiến du khách thích thú.
Những địa điểm quen thuộc của Thủ đô đã trở thành “chứng nhân lịch sử”, hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.
Hình ảnh cầu Doumer năm 1940 (sau năm 1945 đổi tên thành cầu Long Biên). Trong kháng chiến chống Mỹ, cây cầu đóng vai trò quan trọng trong con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế, cây cầu trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ. Năm 2014, cầu Long Biên được gắn biển Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.
Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng trong khoảng 10 năm. Từ năm 1954 cho đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm tổ chức các cuộc họp, hội nghị quan trọng và các buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Năm 2011, công trình được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Sở Cảnh sát Hà Nội (hay còn gọi bốt Hàng Trống) do chính quyền thực dân Pháp xây dựng, bên trong có dãy nhà giam. Cuối tháng 8/1945, bốt Hàng Trống là trụ sở của Ty Cảnh sát Bắc Bộ. Năm 1946, khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp lấy địa điểm này làm Trung tâm chỉ huy của Cảnh sát Pháp ở Hà Nội, giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Năm 2004, bốt Hàng Trống được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Hiện nay, bốt là trụ sở của Công an quận Hoàn Kiếm.
Hồ Hữu Tiệp xưa (trái) và nay. Đây là địa danh thuộc quận Ba Đình, Hà Nội ghi dấu chiến công xuất sắc của quân và dân Thủ đô trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972. Đơn vị bắn rơi chiếc B-52G đêm 27/12 là Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 Tên lửa Phòng không. Sau khi bị tên lửa bắn trúng, máy bay B-52G nổ tung thành nhiều mảnh rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, phần lớn thân và cánh máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Năm 1992, hồ Hữu Tiệp được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Hà Nội do chính quyền thực dân Pháp xây dựng tại đại lộ Courbet (nay là phố Lý Thái Tổ), hoàn thành năm 1930. Tại đây, tháng 7/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm Tự chỉ trích. Sau năm 1945, nơi đây gọi là Ngân hàng T.Ư, hiện nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Du khách ngắm nhìn những hình ảnh tư liệu của Ga Hà Nội. Ga Hà Nội do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm từ năm 1895. Tháng 6/1940, Chi bộ Hỏa xa Hà Nội được thành lập tại đây, góp phần tuyên truyền cách mạng trên nhiều tuyến đường sắt. Tháng 10/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản ga. Năm 2007, địa danh này được gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến.
Tòa án Hà Nội do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1906-1911, là nơi xét xử các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Công trình được thiết kế đối xứng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển vững chãi.
Thiết kế trưng bày chuyên đề Một thoáng di sản kết hợp hài hòa giữa hai gam màu chủ đạo là xanh và vàng. Màu xanh tượng trưng cho hiện tại, hy vọng, sáng tạo. Màu vàng biểu trưng cho quá khứ, lịch sử. Không gian trưng bày được thiết kế với các chi tiết uốn lượn mềm mại, tạo hình ảnh con đường di sản.
Trưng bày Một thoáng di sản diễn ra đến hết ngày 15/9, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.