Kịch bản vàng
Đêm trắng của cố tác giả Lưu Quang Hà được viết dựa trên một câu chuyện có thật trong thập niên 1950, tái hiện chuyện Bác Hồ xem xét án tử hình đối với một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội là Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Hoàng Trọng Vinh.
Sự việc diễn ra khi cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đang bước vào những năm tháng khốc liệt.
Thời điểm đó từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến người dân đều phải nhịn ăn một bữa/tuần, góp một vốc gạo vào hũ gạo tiết kiệm kháng chiến… thì Hoàng Trọng Vinh - Đại tá, Cục trưởng - lại tiêu xài hoang phí, ăn chơi vô độ, lấy xương máu của chiến sĩ phục vụ những lạc thú của hắn.
Vở Đêm trắng góp phần khắc họa hình tượng Bác cùng các đồng chí lãnh đạo trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. |
Bác Hồ đã có nhiều đêm thức trắng trăn trở để xử vụ án tham nhũng này và cuối cùng, án tử hình đã được đưa ra đầy cương quyết và đau đớn đối với một kẻ phản bội cách mạng, phản bội nhân dân.
Nhà hát Kịch Việt Nam từng dàn dựng kịch bản từ mấy chục năm về trước, giành Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990.
Đến năm 2021, Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định dàn dựng lại Đêm trắng. Đây là tác phẩm chính kịch đầu tay của đạo diễn, NSND Xuân Bắc.
Đêm trắng quy tụ hơn 100 diễn viên đến từ Nhà hát Kịch Việt Nam và sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. |
Đêm trắng có lối kể chuyện bằng thủ pháp đối lập.
Một bên là cảnh núi non hiểm trở, bộ đội đói và rét, một bên là cảnh ăn chơi, uống rượu vang và nhảy tango của Đại tá Hoàng Trọng Vinh.
Một bên là bộ đội ăn sắn và ngô, bên kia là những sơn hào hải vị...
Một bên là dãy Tây Côn Lĩnh hiểm trở, bộ đội đói rét vượt suối băng rừng, còn ở chiến khu, Hoàng Trọng Vinh tổ chức tiệc cưới linh đình, xa xỉ...
NSƯT Trịnh Mai Nguyên trong vai Đại tá Hoàng Trọng Vinh. |
Vở chính kịch Đêm trắng là một trong những tác phẩm Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024. Đêm trắng đem về cho nhà hát 4 huy chương Vàng, trong đó có một huy chương Vàng cho vở diễn và 3 huy chương Vàng cho diễn viên.
Trước đó, vào ngày dự thi, vở Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam đã lấp đầy khán phòng 1.200 chỗ ngồi của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc. Giờ diễn là 20h nhưng đã kín rạp từ 18h.
Khắc họa rõ nét hình tượng Bác
Diễn viên Minh Hải tiếp tục là người thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ. Trong Đêm trắng, anh làm toát lên sự trăn trở, suy tư của Bác trong nhiều đêm thức trắng để đưa ra hình phạt thích đáng cho kẻ ác.
Hơn 20 năm gắn bó với nhà hát, Minh Hải được trải nghiệm nhiều dạng vai. Tuy nhiên, anh ghi dấu ấn với khán giả khi thể hiện thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đêm trắng đem về cho Nhà hát Kịch Việt Nam 4 huy chương Vàng, trong đó có một huy chương Vàng vở diễn và 3 huy chương Vàng cho diễn viên. |
Khi đang là trợ lý trường quay cho chương trình Sân khấu truyền hình, Minh Hải có duyên được chọn thể hiện hình tượng Hồ Chủ tịch lần đầu với vở Bác Hồ ra trận. Anh gặt hái thành công với hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước qua phim Vượt qua bến Thượng Hải.
Không chỉ thể hiện hình tượng Bác trên phim mà Minh Hải còn tham gia nhiều vở kịch về Bác như Nước mắt giữa rừng Pác Bó, Bác không phải là vua, Ông Cụ ở quê ra, Đêm Giao thừa, Bác Hồ chúc Tết gia đình chị Tín và đặc biệt là Đêm trắng.
Tạo hình của diễn viên Minh Hải trong vở Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Minh Hải đối mặt không ít áp lực: "Diễn viên thể hiện vai diễn mà trước đó đã có các đàn anh đạt được thành công, áp lực lên đến 99%. Áp lực thực rất lớn nhưng tôi luôn cố gắng. Mỗi diễn viên có một phong cách, cuộc sống riêng, vì vậy mỗi vai diễn cũng có cách thể hiện, cách diễn riêng. Hình mẫu đã có nhưng vẫn cần nét riêng để có sự khác biệt”, diễn viên Minh Hải cho biết.
Đặc biệt khi thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất là tiếng nói và ánh mắt mắt. Nghệ sĩ Minh Hải đã có nhiều đêm không ngủ để luyện tập, rèn luyện và ghi hình qua gương.
Minh Hải được hóa trang rất kỹ trước khi lên sân khấu. |
Anh chia sẻ dù nhiều lần được thể hiện hình tượng Bác Hồ cả trên màn ảnh lẫn sân khấu, nhưng lần nào cầm kịch bản anh đều xúc động, bồi hồi và áp lực như lần đầu.
“Bác ở mỗi một thời kỳ, giai đoạn đều có những cảm xúc rất riêng, cách Bác thể hiện tình yêu thương với chiến sĩ bộ đội, thiếu niên, nhi đồng... cũng khác nhau. Vì vậy tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng”, Minh Hải cho biết.