Vén màn những cuộc khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuốn sách đầu tay của chuyên gia truyền thông, nhà báo Lê Quốc Vinh gồm 3 phần, mở ra một loạt các phương pháp quản trị khủng hoảng. Tác phẩm cũng đề cập nhiều trường hợp khủng hoảng truyền thông ồn ào của một số thương hiệu lớn tại Việt Nam. 

Tác phẩm Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông của tác giả Lê Quốc Vinh là một trong những cuốn sách hiếm hoi về quản trị khủng hoảng. Cuốn sách được giới thiệu tới bạn đọc chiều 21/6.

Những nội dung trong sách được chuyên gia truyền thông, nhà báo Lê Quốc Vinh tích lũy qua hàng loạt dự án quản trị khủng hoảng đã thực hiện trong hàng chục năm qua.

Ông đúc kết thành những nguyên lý mang tính căn bản, giúp người đọc định hình lại bản chất của khủng hoảng và cách ứng xử với những tình huống "leo thang" nguy hiểm.

Vén màn những cuộc khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam ảnh 1
Tác giả Lê Quốc Vinh (giữa) trong buổi giới thiệu sách.

Tác phẩm đề cập nhiều trường hợp khủng hoảng truyền thông ồn ào của doanh nghiệp lớn. Tác giả cũng nhắc tới sự việc ầm ĩ giữa KOL (người có sức ảnh hưởng) với một ca sĩ nổi tiếng, hiện tượng triệu like, triệu view từ các bài đăng của KOL hay việc nhiễu loạn thông tin về sự kiện nhóm nhạc BlackPink sang Việt Nam hồi năm ngoái.

Cuốn sách đầu tay của tác giả Lê Quốc Vinh gồm 3 phần, mở ra một loạt các phương pháp quản trị khủng hoảng, nhấn mạnh vào ba yếu tố chính: giải quyết sự cố triệt để, kiểm soát thông tin một cách khách quan và hành động nhân văn.

Phần 1 mang tên Cốt lõi của khủng hoảng, phần 2 là Phòng ngừa khủng hoảng và phần 3 là Tác chiến trong khủng hoảng.

Ngay khi mới ra mắt, cuốn sách đã gây được chú ý khi lựa chọn khai thác vấn đề vốn là “nỗi đau” của nhiều doanh nghiệp và cũng là bài toán nan giải cho những người thực hành truyền thông.

Vén màn những cuộc khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam ảnh 2Vén màn những cuộc khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam ảnh 3
Cuốn sách gồm 3 phần, lên kệ từ 24/6.

Chia sẻ về dự án sách đã ấp ủ suốt 2 năm, nhà báo Lê Quốc Vinh cho biết nhiều người vẫn quen với thuật ngữ khủng hoảng truyền thông. Nhưng nếu hiểu khủng hoảng chỉ ở trên các phương tiện truyền thông thôi sẽ dẫn đến phương pháp xử lý sai lầm.

"Rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần gỡ bỏ hoặc khỏa lấp thông tin tiêu cực, ngỡ rằng đã xử lý xong, nhưng không phải vậy. Những hành vi hoặc thái độ gây nên khủng hoảng vẫn nằm đâu đó trong trí não công chúng, thậm chí lan truyền như cơn sóng ngầm, phá nát uy tín doanh nghiệp", ông nói.

Những phương pháp xử lý khủng hoảng bằng cách ngăn chặn thông tin tiêu cực xuất hiện trên báo chí và truyền thông, không những không mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp mà còn chứa đựng nhiều hệ lụy dài lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và cả niềm tin của công chúng.

Nguyên nhân cơ bản của sai lầm này đến từ nhận thức sai lệch về quan hệ công chúng. Tác giả Lê Quốc Vinh nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực, đúng đắn nhất để có cái nhìn đa chiều và khách quan.

Vén màn những cuộc khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam ảnh 4

Tác giả nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực

“Người làm truyền thông cũng như luật sư, không phải biến không thành có, đổi trắng thay đen mà là giúp cho những người cầm cân nảy mực có đầy đủ thông tin khách quan nhất để đưa ra kết luận cuối cùng, không làm trầm trọng hơn thực tế lỗi của doanh nghiệp, càng không thể để doanh nghiệp bị hàm oan vì những cáo buộc không đúng”, ông Lê Quốc Vinh nói.

MỚI - NÓNG