Cầu gỗ lim 64 tỷ đồng tại Huế mục nát được xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi mặt lát trên cây cầu gỗ lim phục vụ du lịch trị giá 64 tỷ đồng tại Huế bị xuống cấp, mục nát, vênh lõm, cơ quan quản lý công trình đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng và sửa chữa, thay mới những vị trí hư hỏng.

Ngày 13/2, thông tin đến phóng viên, lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa (TP Huế) cho biết, những vị trí hư hỏng, xuống cấp trên cầu đi bộ bằng gỗ lim ven sông Hương đoạn qua trung tâm quận đã được xử lý hoàn tất.

Cầu gỗ lim 64 tỷ đồng tại Huế mục nát được xử lý ra sao? ảnh 1

Công nhân xử lý các điểm bị mục nát của mặt sàn cầu gỗ lim tại Huế.

Cầu đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương tại Huế, với tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng, là một công trình điểm nhấn của thành phố. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, mặt cầu đã xuất hiện tình trạng hư hỏng, mục nát, gây lo ngại về chất lượng công trình và an toàn cho người dân.

Từ phản ánh của báo chí, người dân, đến nay, lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa đã chỉ đạo Trung tâm Công viên Cây xanh quận Thuận Hóa - đơn vị quản lý cầu, khẩn trương kiểm tra hiện trạng, đánh giá mức độ hư hỏng, tổ chức khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo mỹ quan công trình cũng như an toàn sử dụng.

Cầu gỗ lim 64 tỷ đồng tại Huế mục nát được xử lý ra sao? ảnh 2

Tập kết vật liệu dự phòng để thay thế mặt lát sàn cầu gỗ lim.

Theo lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa, sau thời gian đưa vào sử dụng, cầu đi bộ lát bề mặt bằng gỗ lim xảy ra hư hỏng là do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, do cầu thường xuyên bị ngập trong nước lũ vào mùa mưa, khiến gỗ lim bị ngâm nước lâu ngày làm giảm tuổi thọ vật liệu. Tuy nhiên, những hư hỏng ghi nhận trên hiện trạng mang tính cục bộ, tỷ lệ thanh lát bị hỏng không nhiều so với toàn bộ quy mô công trình.

Đến nay, cơ quan liên quan đã thực hiện các phương án khắc phục. Đơn vị quản lý cầu tiến hành kiểm tra, xử lý bóc gỡ, vệ sinh, chống đọng nước ở những vị trí vật liệu bị hỏng, sau đó thay thế hơn 50 thanh gỗ lim lát bề mặt cầu bị mục nát, hư hỏng.

Trong đó, thanh dài nhất hơn 2,5m, rộng 15cm, dày 5cm. Số gỗ lát thay thế này là vật liệu đã được dự phòng từ trước nhằm tạo sự đồng bộ về vật liệu công trình. Lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa còn cho biết, đến ngày 13/2, công tác khắc phục các vị trí hư hỏng trên mặt cầu gỗ lim đã hoàn tất. Về lâu dài, đơn vị chức năng sẽ có kế hoạch kiểm tra hàng năm nhằm phát hiện, sửa chữa những vị trí gặp sự cố, tổ chức duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên.

Cầu gỗ lim 64 tỷ đồng tại Huế mục nát được xử lý ra sao? ảnh 3

Mặt lát cầu gỗ lim bị hư hỏng sau 7 năm sử dụng, phải dùng đến vật liệu dự phòng, được đánh giá đã vượt yêu cầu thiết kế.

Còn theo đại diện đơn vị thi công cầu gỗ lim là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế, nguyên nhân các vị trí trên mặt cầu gỗ lim bị mục nát là do độ đồng đều của gỗ. Đây là gỗ tự nhiên nên chất lượng gỗ không đồng đều 100%, những thanh xốp hơn sẽ chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt kém hơn.

Khi thực hiện công trình, đơn vị tư vấn thiết kế đã lường trước vấn đề này, nên từng đề xuất Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA, đơn vị tài trợ xây cầu) cấp 200 thanh gỗ lim dự phòng thuộc dự án.

Số gỗ này được nhà thầu thi công dùng thay thế các thanh khiếm khuyết sau 24 tháng bảo hành. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, tất cả các thanh gỗ đều ở tình trạng tốt. Đại diện Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế đánh giá, sau gần 7 năm công trình đưa vào khai thác, số gỗ dự phòng mới lần đầu tiên được sử dụng. Thực tế đó chứng minh chất lượng gỗ vật liệu thi công cầu đã vượt yêu cầu thiết kế.

Cầu gỗ lim 64 tỷ đồng tại Huế mục nát được xử lý ra sao? ảnh 4Cầu gỗ lim 64 tỷ đồng tại Huế mục nát được xử lý ra sao? ảnh 5

Mặt lát cầu gỗ lim ven sông Hương bị mục nát đã được thay thế xong bằng vật liệu dự phòng.

Trước đó, như tin đã đưa, sau một thời gian đưa vào sử dụng, cây cầu gỗ lim phục vụ tham quan du lịch có một không hai tại Huế với tổng trị giá đầu tư 64 tỷ đồng bị xuống cấp, hư hỏng, với hàng loạt thanh gỗ lát bề mặt cầu bị mục nát, lún lõm, vênh hỏng.

Cầu gỗ lim 64 tỷ đồng tại Huế mục nát được xử lý ra sao? ảnh 6

Đến ngày 13/2, công tác khắc phục mặt cầu gỗ lim tại Huế bị hư hỏng đã hoàn tất.

Đây là cây cầu phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, vãn cảnh, kết nối với phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Lý Tự Trọng tạo thành điểm nhấn kiến trúc cho khu vực bờ nam sông Hương thuộc địa bàn phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa.

Đồng thời là công trình thí điểm nằm trong dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Công trình kết cấu bằng bê tông cốt thép, chiều dài 450m, rộng 4m, sàn lát gỗ lim xuất xứ từ Nam Phi… Tổng kinh phí thực hiện công trình là 64 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2019.

MỚI - NÓNG