Cần Thơ muốn trở thành trung tâm cung ứng cho Đồng Bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để đạt mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng cho Đồng Bằng sông Cửu Long, UBND TP. Cần Thơ vừa đặt ra 7 nhiệm vụ lớn cho các đơn vị trong toàn thành phố để hướng tới phát triển công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn đến năm 2025 với khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ mới được thông qua, Cần Thơ xác định sẽ dồn sức cho 3 lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ chính: Sản xuất linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày.

Kế hoạch đặt ra, đến năm 2025, trên toàn điạ bàn thành phố có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có trên 50% doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Cùng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra đến hết năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp của Cần Thơ.

Thành phố sẽ thực hiện các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Cùng đó sẽ rà soát, bổ sung và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đi kèm các cơ chế khuyến khích hấp dẫn hơn cho đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, Cần Thơ sẽ đẩy mạnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thực hiện nhiều chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Theo chương trình đề ra, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên như: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp ô-tô. Việc phát triển nhanh và mạnh số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố sẽ góp phần giảm nhập siêu linh kiện, phụ tùng và thúc đẩy xuất khẩu. Cùng đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn toàn cầu.

Đà Nẵng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 30% (năm 2020 mới đạt tỷ lệ 23,5%). Trong đó, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông chiếm trên 20% (năm 2020 có tỷ lệ 12,5%).

Với các cơ chế được thông qua, Đến thời điểm 2025, Đà Nẵng sẽ có 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (năm 2020 là 100 doanh nghiệp), trong đó có 10% doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh.

Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, hoàn thành các phân khu dành cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp.

Thành phố cũng cho biết, đã có kế hoạch khai thác có hiệu quả Trung tâm Nghiên cứu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Cùng đó chuẩn bị sẵn sàng khu đất trong Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao để phối hợp với Bộ Công Thương thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng.

MỚI - NÓNG