Cách nào giảm tải áp lực vô hình cho Gen Z từ không gian mạng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Áp lực "kép" về đổi mới giáo trình, phương pháp dạy học và vấn đề thu nhập của giáo viên trẻ, hay những áp lực mới vô hình từ không gian mạng tác động mạnh lên thế hệ Gen Z... là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội nghị cán bộ Đoàn trường học toàn quốc năm 2022-2023, do T.Ư Đoàn tổ chức sáng 18/7, tại Hà Nội.

Dự và chủ trì hội nghị có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam; chị Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội sinh viên Việt Nam... cùng hàng trăm cán bộ Đoàn trường học toàn quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết cho biết, trong năm học vừa qua, các cấp bộ Đoàn trường học đã nỗ lực triển khai hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học, tích cực thi đua hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra.

Hội nghị hôm nay sẽ là dịp cán bộ Đoàn trường học toàn quốc có cơ hội giao lưu, chia sẻ ý kiến, học hỏi cách làm các mô hình hay, sáng tạo để tiếp tục phát huy vai trò định hướng, đồng hành cùng thanh niên trong trường học trong thời gian tới.

Cách nào giảm tải áp lực vô hình cho Gen Z từ không gian mạng? ảnh 1

Giảm áp lực 'kép" cho giáo viên trẻ

Góp ý kiến tham luận tại hội nghị, chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM cho rằng, T.Ư Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam cần tiếp sức, đồng hành cùng giáo viên trẻ và thắp sáng ước mơ làm giáo viên trong họ.

Theo chị Hà, giáo viên trẻ khối mầm non, tiểu học, trung học hiện nay gặp áp lực kép về đổi mới chương trình, phương pháp dạy học và cân bằng mức thu nhập thấp với nhu cầu sinh hoạt cơ bản.

“Hiện nay, tôi nhận thấy, bên cạnh các hoạt động dành cho sinh viên, chưa có thêm sân chơi dành cho giáo viên và giảng viên trẻ. Vì thế, tổ chức Đoàn cần tiếp sức và đồng hành cùng họ để thắp sáng ước mơ làm giáo viên cho sinh viên sư phạm mới ra trường”, chị Hà nói.

Bên cạnh đó, chị Hà cũng đề cập đến việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Đoàn nguồn trong trường học do đặc trưng cán bộ Đoàn trường học có sự luân chuyển công tác nhanh.

Cách nào giảm tải áp lực vô hình cho Gen Z từ không gian mạng? ảnh 2

Chị Hà phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Châu Linh

Bổ sung thêm, anh Đinh Chí Công, Trưởng ban Thanh niên trường học Tỉnh đoàn Bình Định cho ý kiến, tổ chức Đoàn cũng nên có phương án rà soát lại những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ đã đạt giải trong những năm qua để triển khai thực hiện, áp dụng lên thực tiễn hoạt động Đoàn và các lĩnh vực khác.

“Tôi nhận thấy, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhưng số đề tài được ứng dụng thực tiễn rất ít và đang đặt trên giá sách rất nhiều. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần quan tâm hơn nữa trong việc chuyển hóa những nghiên cứu đó lên thực tiễn để tạo động lực, thôi thúc sáng tạo cho sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ”, anh Công nói.

Tổng kết năm 2022 - 2023, hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, đã có 423.624 đề tài nghiên cứu khoa học, sản phẩm sáng tạo của học sinh, sinh viên cấp trường, 2.323 đề tài cấp tỉnh, 387 đề tài cấp quốc gia đã được thực hiện; số đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên trẻ là 639.271 đề tài.

Cách nào giảm tải áp lực vô hình cho Gen Z từ không gian mạng? ảnh 3

Đại biểu tham dự hội nghị.

Trong năm học 2023 – 2024, tổ chức Đoàn sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhà giáo trẻ nâng cao kiến thức, nghiệp vụ; quan tâm đến giáo viên trẻ ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh niên trường học. Phối hợp với nhà trường, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện hóa các ý tưởng, sáng kiến của học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ; hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng; phát triển các quỹ bảo trợ tài năng trẻ.

Giúp sinh viên củng cố sức khỏe tinh thần

Chia sẻ tại hội nghị, anh Tô Thành My - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Thủ Đức đề xuất việc quan tâm, giúp sinh viên củng cố sức khỏe tinh thần. Bởi, trong bối cảnh hiện đại, sinh viên Gen Z gặp nhiều áp lực mới từ những ảnh hưởng của mạng xã hội và nhiều trào lưu, xu hướng độc hại hay áp lực do các bạn tự tạo ra.

“Tôi cho rằng, tổ chức Đoàn cần quan tâm, phối giữa ngành giáo dục với công tác Đoàn bổ sung thêm các chương trình giáo dục tâm lý, giúp học sinh, sinh viên hiểu đúng về sức khỏe tinh thần. Từ đó, chính các em sẽ có thêm nhận thức và trách nhiệm để củng cố, điều chỉnh, cân bằng áp lực, nâng cao sức khỏe tinh thần của mình”, anh My nói.

Cách nào giảm tải áp lực vô hình cho Gen Z từ không gian mạng? ảnh 4

Anh Tô Thành My chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Ngoài ra, anh My mong, tổ chức Đoàn sẽ phối hợp với Bộ Công an trong việc cụ thể hóa ấn phẩm truyền thông cho sinh viên, học sinh về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Qua đó, đoàn viên, thanh niên trong trường học sẽ giảm thiểu được những vấn đề tâm lý trên không gian mạng.

Về nội dung này, ông Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cũng đánh giá, không tổ chức nào thực hiện tốt và phù hợp như tổ chức Đoàn trong việc giáo dục, tổ chức tư vấn tâm lý nói chung và tâm lý học đường nói riêng cho học sinh, sinh viên.

“Vì vậy, tôi mong, T.Ư Đoàn tiếp tục tích cực đồng hành cùng Bộ GD&ĐTthực hiện các nhiệm vụ chung trong giáo dục, đồng hành cùng học sinh, sinh viên”, ông Đạt nói.

Trước mong muốn giúp sinh viên củng cố sức khỏe tinh thần, trong năm học 2023 - 2024, tổ chức Đoàn sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”. Triển khai rộng rãi “Khung kỹ năng thực hành xã hội trong sinh viên”, đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao trong thanh niên; chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam nhận định, hội nghị là kết quả của sự làm việc khoa học, các đại biểu không chỉ nêu kết quả, mà còn tích cực, sôi nổi đóng góp ý kiến.

Cách nào giảm tải áp lực vô hình cho Gen Z từ không gian mạng? ảnh 5

“Số lượng đoàn viên, thanh niên trong khối trường học chiếm số đông trên tổng số đoàn viên, thanh niên cả nước. Vì vậy, việc khai thác được hết năng lượng của các bạn đoàn viên, thanh niên hay chưa là do lực lượng cán bộ Đoàn khối trường học”, anh Triết nói.

Theo anh Triết, trong thời gian tới, T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả, tạo mẫu một số hoạt động định hướng để các cán bộ Đoàn trường học tiếp tục triển khai thực hiện. Các cấp bộ Đoàn trường học cần có giải pháp nắm bắt dư luận, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kịp thời có dự báo, định hướng tư tưởng cho học sinh, sinh viên.

MỚI - NÓNG