Kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại Hội nghị Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10, khóa X, các đại biểu cho rằng, phong trào Sinh viên 5 tốt ngày càng lan tỏa sâu rộng và đề xuất các giải pháp kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương. 

Chiều 14/7, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10, khóa X. Dự hội nghị có anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN; chị Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN; anh Nguyễn Bá Cát, Phó Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội SVVN.

Tính toán nội dung, hoạt động mang tính đột phá

Tại Hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết đánh giá, năm học 2022 - 2023 là năm học quan trọng trong công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam. Đây là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, cũng là năm học cuối để hoàn thành về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam các cấp.

Kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương ảnh 1
Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN

Theo anh Triết, với chủ đề Năm xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh, trong năm học 2022 - 2023, các cấp bộ Hội Sinh viên cả nước đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức xây dựng Hội, triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng tầm quy mô, chất lượng các chương trình, hoạt động của Hội.

Anh Triết đề nghị các Ủy viên Ban Thư ký tập trung phân tích kết quả tổng thể công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2022 - 2023, nhất là việc triển khai thực hiện chủ đề năm học; làm rõ các mặt ưu điểm nổi bật, hạn chế trong năm học. Bên cạnh đó, phân tích nguyên nhân tồn tại hạn chế, đặc biệt đối với các chỉ tiêu không hoàn thành.

Kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương ảnh 2

Chị Hồ Hồng Nguyên và anh Nguyễn Bá Cát chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Triều

Đối với Chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2023 - 2024, anh Triết đề nghị các đại biểu kết hợp với dự báo bối cảnh, tình hình sinh viên giai đoạn tới, cập nhật các thông tin trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN lần thứ XI để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu phù hợp.

Với Dự thảo Báo cáo chính trị (lần 6) Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN lần thứ XI, anh Triết cho biết, đến nay đã triển khai xin ý kiến tại 9 hội nghị chuyên đề và đang xin ý kiến các cơ sở Hội. Các Ủy viên Ban Thư ký cần nghiên cứu, góp ý tính toán thêm các nội dung, hoạt động mang tính đột phá, tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ mới.

Lan tỏa sâu rộng phong trào “Sinh viên 5 tốt”

Thực hiện chủ đề năm học “Xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh”, các cấp bộ Hội đã chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; triển khai có hiệu quả Hội thi “Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc” lần thứ IV. Các cấp bộ Hội cũng tích cực tuyên truyền giới thiệu về tổ chức Hội gắn với “Tuần sinh hoạt công dân” đầu năm học; triển khai cập nhật thông tin hội viên trên ứng dụng Sinh viên Việt Nam.

Năm học 2022 – 2023, phong trào Sinh viên 5 tốt tiếp tục đạt được nhiều kết quả ấn tượng. T.Ư Hội SVVN đã tổ chức xét chọn và tuyên dương 85 sinh viên đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư, 30 “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp T.Ư. Cùng đó, T.Ư Hội SVVN đề nghị Bộ GD&ĐT trao 79 Bằng khen, Bộ LĐ-TB&XH trao Bằng khen cho sinh viên đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư năm 2022.

Trong năm học, có 919 hoạt động tuyên truyền phong trào “Sinh viên 5 tốt”, thu hút gần 251.000 lượt sinh viên tham gia. Các cấp bộ Hội đã tuyên dương và trao tặng hơn 3.000 danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh, thành, đại học khu vực, gần 25.000 danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, hơn 1.600 “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp trường và cấp tỉnh.

Một dấu ấn đáng chú ý trong năm học vừa qua là các hoạt động tuyên truyền về biên giới, biển đảo, chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia tiếp tục được các cơ sở Hội triển khai đa dạng, gồm 750 hoạt động thu hút hơn 232.000 lượt sinh viên.

Đặc biệt, T.Ư Hội SVVN tổ chức chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” năm 2023 đưa hơn 200 đại biểu sinh viên tiêu biểu thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) nhân kỷ niệm 10 năm Chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” và 35 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2023) mang lại nhiều cảm xúc cho đại biểu.

Kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương ảnh 3

Chị Hoàng Thanh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP Hà Nội trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Dương Triều

Góp ý về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN, chị Hoàng Thanh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP Hà Nội, đánh giá phong trào Sinh viên 5 tốt phát triển sâu rộng và ngày càng đi vào thực chất. 5 tiêu chí của Sinh viên 5 tốt trở thành động lực phấn đấu cho các sinh viên.

Để phù hợp với thực tiễn, chị Tâm đề nghị cần bổ sung các nội hàm cho 5 tiêu chí của Sinh viên 5 tốt; đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay.

Theo chị Tâm, Dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá kỹ hơn, đầy đủ hơn và có phụ lục đính kèm về những nỗ lực, đóng góp của các cấp bộ Hội và sinh viên vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.

Nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho sinh viên

Đa số Ủy viên Ban thư ký bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với khẩu hiệu Đại hội: “Sinh viên Việt Nam Vững bản sắc, Xây khát vọng, Tự hào tiến bước”, vì sự mới mẻ, mang bản sắc sinh viên và dễ ghi nhớ.

Kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương ảnh 4

Anh Nguyễn Đức Nguyên, Ủy viên Ban Thư ký T.Ư Hội SVVN phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Dương Triều

Theo anh Nguyên - Ủy viên Ban Thư ký T.Ư Hội SVVN, thành tố “vững bản sắc” được hiểu là bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc sinh viên Việt Nam. “Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, văn hóa thần tượng thì việc giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Có giữ vững được bản sắc của mình, bạn trẻ mới có nền tảng vững chắc để vững bước tiến lên cùng khát vọng của mình”, anh Nguyên nói.

Kết nối, hỗ trợ Sinh viên 5 tốt sau tuyên dương ảnh 5

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong trao đổi tại hội nghị.
Ảnh: Bảo Anh

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, vì vậy cần chú trọng nâng cao năng lực số cho sinh viên. Đây được xem là nền tảng để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Đối với phát triển phong trào “Sinh viên 5 tốt”, nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, thời gian tới, Báo Tiền Phong nghiên cứu tích hợp 1 chuyên mục Sinh viên 5 tốt trên chuyên trang Sinh viên Việt Nam nhằm tạo kênh tương tác, kết nối giữa các thế hệ Sinh viên 5 tốt.

Bên cạnh đó, nhà báo Phùng Công Sưởng cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc đa dạng hóa mục tiêu rèn luyện thể chất và nâng cao đời sống văn hóa, giải trí cho sinh viên; và đề nghị Hội Sinh viên cần quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần cho sinh viên hiện nay.

Kết luận hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đề xuất, đóng góp của Ủy viên Ban thư ký T.Ư Hội SVVN tại hội nghị để trình Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Hội SVVN thời gian tới. Đề cập câu chuyện chuyển đổi số mà các đại biểu thảo luận tại hội nghị, anh Triết nhấn mạnh, chuyển đổi số phải kiên trì và học sinh, sinh viên là lực lượng đi đầu.

“Học sinh, sinh viên không đi đầu chuyển đổi số thì thanh niên Việt Nam khó hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số mà Đảng, Nhà nước giao phó. Tôi mong rằng, các cấp bộ Hội thực hiện cho bằng được các giải pháp chuyển đổi số”, anh Triết nói.

Đối với sinh viên, anh Triết đặt yêu cầu cao hơn, vừa là người sử dụng, vừa là người xây dựng phát triển các giải pháp chuyển đổi số, thậm chí đăng cai đóng góp chuyển đổi số cho các cấp bộ Hội.

MỚI - NÓNG