Hội nghị tập huấn cán bộ Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố năm 2023. Ảnh: Xuân Tùng |
Sáng 17/7, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn cán bộ Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự chương trình có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; thường trực Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hội đồng Đội cấp huyện, cán bộ phụ trách thiếu nhi cấp xã; giáo viên làm Tổng phụ trách Đội.
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang; cán bộ Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng |
Anh Lê Hải Long, Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương cho biết, Hội nghị nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em cho cán bộ phụ trách thiếu nhi; đồng thời truyền tải, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, cách làm hiệu quả và sáng tạo.
Hội nghị sẽ tập trung trao đổi hai chuyên đề về kỹ năng bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng và về giáo dục giá trị tích cực và phương pháp nắm bắt tâm lý học đường cho thiếu nhi.
"Chương trình diễn ra ngắn gọn, nhưng nhiều thông tin bổ ích để các cán bộ suy ngẫm, vận dụng thiết kế hoạt động Đội ở cơ sở. Ban Tổ chức mong muốn cán bộ Đoàn, cán bộ Đội và giáo viên làm Tổng phụ trách Đội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp thu ý kiến báo cáo viên để phối hợp cùng Hội đồng Đội Trung ương triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong thời gian tới", anh Long bày tỏ.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương Lê Hải Long phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng |
Thường xuyên trao đổi, chia sẻ việc tương tác trên không gian mạng
Trao đổi về chuyên đề Kỹ năng bảo vệ, hỗ trợ tương tác lành mạnh trên không gian mạng, anh Ngô Minh Hiếu - Chuyên viên giám sát, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia cho biết, vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cực kỳ được quan tâm. Bởi, việc áp dụng công nghệ phải gắn liền với hiểu biết các biện pháp bảo vệ, an toàn trên không gian mạng, nhất là với trẻ em. Bên cạnh việc giám sát bằng công nghệ, việc nói chuyện với các em rất cần thiết.
Chuyên viên Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia Ngô Minh Hiếu chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo anh Hiếu, thông tin cá nhân của trẻ em có thể bị lộ lọt, đánh cắp bởi hacker chỉ trong thời gian rất ngắn. Những thông tin bị đánh cắp này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để đe dọa tống tiền, thực hiện những hành động nhạy cảm... Những gì chúng ta chia sẻ, truy cập trên không gian mạng đều để lại dấu vết điện tử.
Những gì chúng ta đăng tải trên không gian mạng như hình ảnh, bài viết, video... dù xóa thì vẫn nằm đó. Khi sử dụng các nền tảng công nghệ, chúng ta nghĩ là người sử dụng, nhưng không phải, chúng ta là sản phẩm công nghệ. Những hình ảnh, thông tin chúng ta và trẻ em chia sẻ là dữ liệu được thu thập, phân tích để chạy quảng cáo, bán thông tin", anh Hiếu cảnh báo.
Để phòng tránh trường hợp bị cuộc gọi giả video deepfake, anh Hiếu khuyến cáo: Hạn chế chia sẻ hình ảnh hay video cá nhân lên trên mạng. Gọi điện thoại ngay bằng điện thoại thường để kiểm chứng qua một số câu hỏi cá nhân.
Nếu bị làm giả, nên thông báo ngay lập tức cho mọi người biết và báo lên cơ quan chức năng tại canhbao.ncsc.gov.vn hay báo lên dự án chongluadao http://chongluadao.vn. Nâng cao nhận thức nhận biết lừa đảo trên không gian mạng tại: dauhieuluadao.com".
Bên cạnh đó, cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, sử dụng mật khẩu an toàn và chủ động nâng cao kiến thức bảo mật để phòng chống lừa đảo.
Theo anh Hiếu, để bảo vệ tài khoản cá nhân cần hướng dẫn các em nhỏ cách sử dụng mật khẩu mạnh, ít nhất 8 ký tự bao gồm ký tự chữ số, biểu tượng, chữ cái viết hoa, chữ cái viết thường...; không nên sử dụng thông tin ngày tháng năm sinh, tên tuổi; không đăng nhập và cung cấp thông tin trên trang web, đường link lạ.
Đặc biệt, cần tránh sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản; không đăng nhập thông tin trên các thiết bị công cộng; sử dụng xác minh hai bước; thường xuyên cập nhật thiết bị điện tử; khởi động chạy lại máy tính.
Chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia lưu ý: Mong bạn không bao giờ giữ im lặng khi biết mình đã bị lừa và hãy luôn chung tay lên tiếng chia sẻ để giúp mọi người xung quanh. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân); địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu không an toàn, bạn cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên của con em để được chia sẻ.
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân chia sẻ và tương tác với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Giám đốc chuyên môn Học viện giáo dục cảm xúc IAG trao đổi chuyên đề Định hướng giáo dục giá trị tích cực và phương pháp nắm bắt, tâm lý học đường cho thiếu nhi.
Theo anh Quân, để hình thành giá trị tích cực cho học sinh cần tạo môi trường tích cực, tập trung xây dựng trường học hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là việc chạy theo nhu cầu của bản thân mà cần phân định được cái cần và muốn, khoảng cách cách cần - muốn khá xa; hạnh phúc không phải ở tương lai mà ở hiện tại với những gì mình đang có.