Các nguyên thủ thích xem phim gì?

Cảnh phim Chapaev.
Cảnh phim Chapaev.
TP - Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn dành thời gian xem phim vào lúc rảnh rỗi với sở thích khác nhau.

Tổng thống Nga Putin mê bộ phim Chapaev. Đó là bộ phim ra mắt năm 1934 của anh em đạo diễn người Nga Vasiliev và kể về Chapaev, người anh hùng nhân dân trong cuộc nội chiến sau Cách mạng tháng Mười. Năm 1978, bộ phim được đưa vào danh sách 100 kiệt tác điện ảnh thế giới và hình tượng Chapaev trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ cách mạng.

Tổng thống Mỹ Obama tự nhận mình là “kẻ mê phim”. Những bộ phim yêu thích của ông là phim tình cảm Casablanca ra mắt năm 1942 của đạo diễn Michael Curtis, phim truyện Bay trên tổ chim cúc cu (One flew Over the Cuckoo’s Nest) của đạo diễn Milos Forman, phim sử thi Lawrence của xứ A Rập (Lawrence of Arabia) của đạo diễn David Lean và một vài bộ phim khác. Nhưng ông Obama đặc biệt yêu thích phần 1 và phần 2 bộ phim Bố già (Godfather) của đạo diễn Francis Ford Coppola.

Bộ phim yêu thích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Giải cứu binh nhì Ryan (Saving Private Ryan) của đạo diễn Steven Spielberg. Ông cho biết rất hâm mộ nền điện ảnh Hollywood và thừa nhận mình là fan của các bộ phim Mỹ về Thế chiến thứ II.

Giáo hoàng Francis cho biết, ông rất yêu thích các bộ phim của đạo diễn người Italia Federico Fellini. Những bộ phim ông đặc biệt yêu thích là phim Con đường (La Strada) của Federico Fellini và phim Roma, thành phố bỏ ngỏ (Roma, Citta Aperta) của đạo diễn Roberto Rossellini. Theo lời Giáo hoàng, những bộ phim này đều có đặc điểm chung là mang tính nhân đạo sâu sắc. 

Nữ hoàng Anh Elizabeth II say mê những bộ phim truyền hình nhiều tập. Chẳng hạn bộ phim Cuộc chiến ngai vàng (Game of Thrones) được bà hâm mộ tới mức bà đến tận trường quay thăm nhóm làm phim. Bà cũng đích thân làm quen với nhóm làm bộ phim Tu viện Dawton (Dawton Abbey).

Bộ phim yêu thích của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel là Truyền thuyết về Paul và Paula (Die Legende von Paul and Paula) mà bà xem từ năm 19 tuổi. Bộ phim được đánh giá là một trong những bộ phim thành công nhất của điện ảnh Cộng hoà Dân chủ Đức trước đây.

Stalin  rất yêu thích những bộ phim do Liên Xô sản xuất. Ông đặc biệt yêu thích bộ phim âm nhạc Volga - Volga ra mắt năm 1938 của đạo diễn Grigori Aleksandrov. Bộ phim này được coi là bản anh hùng ca về đời sống và những thành tựu của đất nước Xô viết và năm 1941 được trao tặng giải thưởng Stalin.

Năm 1942, Stalin mời Đại sứ Mỹ và nhiều khách người Mỹ tại Mátxcơva đến dự buổi chiếu bộ phim Volga - Volga. Bộ phim được những khách quý người Mỹ hết sức tán thưởng. Thấy vậy, Stalin liền gửi tặng bản sao bộ phim này cho Tổng thống Mỹ Roosevelt.

Sau khi xem phim, Roosevelt lúc đầu không hiểu tại sao Stalin lại gửi tặng bộ phim này cho ông. Ông liền đề nghị dịch sang tiếng Anh cho ông nghe lời ca khúc của một đoạn ngắn trong phim có liên quan đến nước Mỹ. Khi ca khúc đó vang lên với nội dung như sau: “Nước Mỹ tặng Nga một con tàu, Hơi nước tuôn đằng trước, Bánh lái ruổi theo sau, Tàu chạy sao mà chậm, Chậm đến độ ghê người” thì Roosevelt mới chợt hiểu và thốt lên: “À, hoá ra Stalin trách chúng ta chậm mở mặt trận thứ hai đấy mà!”.

Theo Theo Regnum.ru
MỚI - NÓNG