Buồn/cười

Buồn/cười
TP - Cuốn sách là tập hợp những “danh ngôn” hài hước, lý sự cùn thời đại kèm tranh vẽ của một nhóm bạn trẻ, kiểu “Sát thủ đầu mưng mủ” một dạo. Vừa ra mắt. 

Thoáng đọc qua lỗ hở bìa ngoài, thấy cái tựa “Đời về cơ bản là buồn”. Chạnh nghĩ đến Nguyễn Ngọc Thuần với truyện dài “Cơ bản là buồn”. Ừ, buồn nhỉ. Vì buồn chỗ nào chả buồn, việc gì chữ nghĩa phải mượn mõ nhau sát sạt như thế. Nhưng lật tiếp vào bìa trong, thấy tên sách có thêm chữ “cười”. “Đời về cơ bản là buồn cười”. Có thế chứ. Cười, liên tưởng chuyện ông lang vườn, tra sách kê đơn cho bệnh nhân đau bụng. Người nhà cầm mấy chữ “Phúc thống, phục nhân sâm” về, cho uống nhân sâm, bệnh nhân chết tốt. Quay lại hạch tội thầy, mở lại sách, té ra khi kê đơn, thầy quên lật tiếp trang sau, còn có thêm hai chữ “tắc tử”! Cũng lạ, cái ông nhà văn Mỹ Mark Twain quen biết với các ông lang vườn xứ Á Đông bao giờ đâu, mà cũng có một lời khuyên hài không kém “Hãy cẩn thận khi đọc sách về sức khỏe. Bạn có thể bỏ mạng vì một lỗi in ấn”.

Không phải ngẫu nhiên Mark Twain được ví là “một Lincoln trong văn học Mỹ”. Bởi bằng một thứ văn học tinh tế và đầy chất hài hước, ông đã làm thay đổi cách nghe nhìn của người Mỹ, chứ không phải lối giễu nhại hay châm biếm đầy mệt mỏi     

Nhìn lại mình, mở facebook là thấy toàn các “trí thức/chí sĩ” chửi đời như hát hay. Gì cũng chửi, vừa hóng vừa chửi. Báo chí, mạng mẽo thì tối thui đâm chém, chết chóc. Sách truyện thì nhuộm nhoạm, sống sít. Câu của cha đẻ “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” nêu trên, có thể sửa thành “Hãy cẩn thận khi đọc facebook và báo chí. Bạn có thể chết vì buồn”. Buồn, chứ không phải buồn cười.

Ngẫm lại, tiếng Việt có riêng một chữ “buồn” nhưng không phải để buồn. Mà là buồn cười. Cứ như để cười được không phải dễ dàng gì.

Tê tái, thì hãy đừng quên lật tiếp. Sang trang thương trang nhớ, trang yêu. Để cười và buồn cười.

MỚI - NÓNG