Xe chở gió

Minh họa: Phong Nhi.
Minh họa: Phong Nhi.
TP - Ấy là những chuyến xe vắng khách, một cách ví von đầy văn học và có phần chua chát của cánh lái xe. Mà cũng đúng. Xe vắng khách, gió lộng tứ bề, lơ xe vuốt đi vuốt lại cái nắm tiền còm cõi, sao không khỏi…bâng khuâng.

Một cách nữa, ấy là những chuyến xe có nhiều lời ra tiếng vào. Tiếng mặc cả của mấy bà lên xuống giữa đường, tiếng ỉ ôi về mấy ông cảnh sát giao thông hay bắn tốc độ…vv, và nữa, ấy là những cuộc tranh luận không kém phần nảy lửa về một vấn đề đương xảy ra tít tận bên kia bán cầu giữa…bác tài và mấy vị khách áo bỏ trong quần, đầu chải lệch trên xe. Bác tài, ấy là tôi muốn nói đến Lâm, còn cái cuộc tranh luận có tính giời ơi đất hỡi kia, thiên hạ vẫn thường gọi là…chém gió.

Lâm thì tôi chả lạ, bởi y cùng tuổi, cùng dãy phố, lại còn cùng học với nhau 3 năm cuối phổ thông. Hết phổ thông thì cùng…trượt đại học. Tôi kiếm việc làm làng nhàng bằng năng khiếu bẩm sinh, tức làm nghề tự do. Lâm theo ông chú ruột rong ruổi chạy xe khách tuyến Tuyên Quang - Hà Nội. Ngày ấy thế là oách lắm. Lâm bảo: “Tao theo ông chú, mấy năm là có tiền xây nhà. Lúc bọn nó đi học đại học về, tao đứng trên tầng 2, vẫy vẫy…”. Và rồi chừng mươi năm sau, Lâm xây cái nhà 2 tầng thật. Tiền mồ hôi nước mắt, trẻ tuổi như y mà làm được thế, cũng tài. Vài năm nữa, sau một trận cãi vã tóe lửa, đến độ phải dùng tư duy cơ bắp với ông chú ruột của mình, Lâm cắm sổ đỏ vào ngân hàng, mua cái xe 16 chỗ ngồi, tuyên bố sẵn sàng… cạnh tranh lành mạnh. Bố mẹ Lâm không có lấy nửa cái ý kiến gì. Ông chú ruột đẩy cái cười sang một bên mép: “Rồi xem, đời không như là mơ đâu con ạ”.

Đúng là nói thì dễ, bắt tay vào làm nó mới nảy sinh một lô xích xông những cái phức tạp. Chật vật chán Lâm mới có chân trong hợp tác xã vận tải, có nghĩa là có bến, có tuyến đàng hoàng chứ không như mấy tay xe dù bạ đâu chạy đấy. Ấy thế nhưng tuyến Hà Nội đông xe, lại toàn xe lớn, coi như Lâm hết cửa, chả có cơ hội mà cạnh tranh lành mạnh với ông chú mình. Chỉ còn tuyến ngược Hà Giang với cái lịch xuất bến bốn giờ ba mươi phút hằng ngày. Thế cũng tạm gọi là ổn.

Vậy là cứ mỗi tinh mơ, láng giềng lại được một phen tỉnh giấc bởi tiếng động cơ vang rền của cái xe 16 chỗ ngồi. Xe chạy dầu, lại không còn mới, nó cứ khục khoặc như thằng ho lao, mãi mới chịu cất lên cái giọng rất riêng của…công nông leo dốc. Ban đầu người ta cũng có ý khó chịu, sau cũng quen dần với cái “đồng hồ báo thức” lúc 4 giờ sáng ấy của Lâm. Chả nói thì ai cũng hiểu, với quãng đường 150km, xe Lâm lên tới Hà Giang, có khi dân tình mới vừa ngủ dậy. Chở gió là điều đương nhiên.

Vắng khách, Lâm đâm quen cái thói mở radio trên xe. Cũng hợp lý. Có tiếng người, những chuyến xe cũng bớt phần tẻ nhạt. Cũng chính vì thế mà Lâm cập nhật được nhiều thông tin trên cái trái đất ba phần tư nước mắt (* ) này. Biết thì phải bàn luận, phải phân tích ngọn ngành nó mới thấu đáo. Mà bàn luận với tay phụ xe nửa tỉnh nửa mơ chỉ biết “à, ờ” thì nhạt nhẽo vô cùng. Thế nhưng Lâm vẫn cứ nói, như một phản xạ tự nhiên, như một cách để lấp đầy những khoảng trống trên xe đương lồng lộng gió. Thi thoảng bắt được một vài vị khách thuộc hệ áo trắng cổ cồn thì Lâm mừng ra mặt, cứ như thể tri kỷ chưa gặp nhiều năm. Chuyện cứ như ngô rang, chủ đề luôn bám sát những nội dung đang phát trên radio, vô cùng… thời sự. Những vị khách ấy, nếu cùng quan điểm với Lâm, cái giá đi xe sẽ lập tức trở nên vô cùng mềm mại. Ấy thế nhưng hễ có ý phản biện thì không biết đằng nào mà lần. Nhẹ thì Lâm hết giá khét lẹt, nặng thì y phanh dúi cái đầu xe, nhã nhặn mà mời xuống, mặc cho tay phụ xe ra sức phân bua. Kể cũng lạ. Rồi những khách quen cũng có ý lảng dần. Phần vì họ không có việc gì mà phải đi sớm, phần cũng vì họ sợ phải làm người đối thoại bất đắc dĩ về một vấn đề chả có tí gì liên quan. Có lần, đám bạn Hà Nội nhờ tôi thuê cho cái xe đi tham quan ở Tân Trào. Tôi giới thiệu Lâm, với tư cách là một người bạn. Lúc về, đám Hà Nội bảo: “Ông có ông bạn thuộc hệ trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, chỉ lái xe là không…chú ý”. Thực lòng, sau vụ đó, tôi chừa.

Bây giờ, Lâm vẫn thế. Vẫn cái xe 16 chỗ ngồi, 4 rưỡi sáng xuất bến ngược Hà Giang. Tháng trước, tôi đi xe Lâm lên Hà Giang, trải nghiệm cái sự một mình trên chuyến xe chở gió. Chuyện vẫn xoay quanh cái radio, vẫn mặn. Bất chợt có một lúc, giọng Lâm chùng xuống: “Vất lắm ông ạ. Khách vắng, xe đông. Sáng ra đúng là uống nước lã để đi làm. Nghỉ thì chết, chả biết làm gì khác. Thôi cũng cố mà chèo chống lo cho con cái sau này nó học hành tử tế. Ngày trước, giá như tôi cố học đại học, kiếm lấy cái bằng…”.

Bất chợt, tôi cứ thấy thương thương. Mặc dù, Lâm rõ ràng là hơn hẳn tôi về kinh tế…

(* )Thơ Xuân Diệu

Lòng xe điếu

Dần thuộc loại bình thường nhất trong những người nông dân bình thường. Tuổi ngoài bốn mươi, một vợ, hai con, đủ nếp đủ tẻ. Dần ngụ tại thôn Tiên Lủng, đường bê tông chạy trước cửa nhà, cách trung tâm thành phố chừng mười lăm phút xe máy.

Nhà bốn miệng ăn trông cả vào mấy sào ruộng ông bà để lại. Ki cóp mãi Dần mới cất được nếp nhà chừng bốn chục mét vuông, xây gạch vồ, lợp tấm lợp. Tài sản đáng giá nhất là cái xe máy tàu đã hở cổ bô, kêu cứ là pèn pẹt pèn pẹt, nghe chỉ muốn...nộp phạt.

Không ổn, rất không ổn. Tiền ăn đã đành, còn tiền chi phí học hành cho con cái cứ ngày một tăng theo giá xăng, giá điện. Mấy đận sấp ngửa đi vay, Dần thấy mình cứ hèn hèn. Nghĩ nhiều lắm. Một hôm đẹp trời, Dần ngả cây keo to nhất vườn sau, nhờ mấy ông bạn hì hụi cưa cưa đục đục. Mất bốn ngày được năm cái bàn con, chục cái ghế dài như ghế học sinh thời Dần học tiểu học, đoạn mang miếng tôn cũ, nắn nót kẻ thẳng một hàng: DẦN - LÒNG XE ĐIẾU.

Quán lòng lợn của Dần cứ mỗi ngày mỗi đông. Khách cùng thôn, có cả khách ngoài thành phố đánh hẳn ô tô đỗ cửa. Giá cả rất bình dân, rượu có nguồn gốc, lại nữa, cái món lòng xe điếu của Dần thì phải nói là đặc sản. Nó trắng như ngó sen, giòn và ngọt cứ gọi là từ đầu lưỡi cho đến dạ dày. Nghe đâu cả trăm con lợn chỉ vài con mới có được cái đoạn lòng non dày dặn ấy. Không hiểu sao ngày nào Dần cũng tầm được. Thế mới tài. Hỏi, Dần chỉ cười, buông một câu: “Có thổ quen”. Rồi thì lại xởi lởi: “Ấy các bác cẩn thận kẻo chết bỏng, bát nhà em nó luộc đến nhừ cả vi trùng ra rồi đấy”.

Từ dạo mở quán, Dần khá lên trông thấy. Những vật dụng trong nhà cứ lần lượt được điểm danh. Mười giờ sáng hết hàng, Dần thong dong cái xe máy tàu, nổ pèm pẹp ra quán nhẩn nha mà nhâm nhi cốc bia hơi tươi rói. Chỉ hai cốc, vị chi là mười nghìn. Dần trả tiền trước, gặp bạn bè, Dần vẫn ngồi cùng bàn. Ra về, Dần chỉ việc đi thẳng, vẻ mặt vô tư như...người châu Âu. Ấy thế nên người ta bảo Dần là kiệt. Chẳng biết có đúng hay không, nhưng ở nhà, hễ mở ti vi thì Dần tắt điện. Lúc đi tắm, Dần đứng vào cái chậu to, từ tốn xối nước, nước tắm trong chậu dành để dội toa lét, cũng tiết kiệm được một khoản.

Ngày tháng cứ thế trôi đi.

Mấy năm trở lại đây, cứ đến rằm trung thu, thành phố lại rầm rộ tổ chức rước đèn. Không phải là những cái đèn ông sao thắp nến như ngày trước mà là những con khủng long, rồng, phượng nghễu nghện như tòa nhà, đèn hoa sáng rực. Cái nọ nối đuôi cái kia diễu hành trên khắp các trục đường trong thành phố. Trẻ con người lớn đều hăm hở, hân hoan vui sướng như nhau. Năm nào Dần cũng dẫn bọn trẻ trong thôn ra thành phố để mà cùng cổ vũ. Gớm, đông nghìn nghịt, tắc cả đường, sểnh một cái, lạc nhau chứ chả bỡn. Cả tuần lễ, tối nào cũng đi bộ, hò hét. Mệt, nhưng mà vui. Năm ngoái, Lễ hội đường phố này được công nhận là Kỷ lục Ghi nét Việt Nam. Ai cũng phấn khởi. Dần cũng thấy tự hào.

Xe chở gió ảnh 1

Minh họa: Tuấn Tú.

Thế rồi Dần nghĩ, thôn Tiên Lủng mình ngay nách thành phố, sao không làm một cái mô hình cho trẻ con nó đi chơi, đỡ tội. Nghĩ mấy hôm, thấy bứt rứt khó chịu, Dần mò đến nhà trưởng thôn: 

- Bác

- Định mở thêm bún chó à?- Ông trưởng thôn hỏi, sau khi thở ra một đụn khói thuốc lào ngào ngạt.

- Không, em định bàn với bác, xin bác cái chủ trương làm cái mô hình trung thu cho trẻ con rước đi chơi cho bằng bạn bằng bè.- Dần gãi gãi cái đầu bờm xờm.

- Tớ cũng nghĩ đến từ lâu, ngặt nỗi mình toàn người làm nông, lấy đâu kinh phí. Nghe đâu ngoài kia họ làm những mấy chục triệu.

- Em biết, dưng mà mình làm một cái be bé, chắc chả tốn. Bác cứ cho chủ trương, mọi việc để em.

- Nhất trí. Chú mà làm được, trẻ con nó chào chú từ xa.- Ông trưởng thôn cười hà hà, bụng nghĩ, kiệt như thằng Dần, có khối ra ấy.

Ấy thế mà Dần làm thật. Sẵn cái xe bò, mượn thêm bố vợ cái nữa, Dần hì hụi ghép ván, đấu hai cái vào nhau thành một cái bệ vững chãi. Dần ngả hẳn cây tre đan một cái rọ to bằng năm cái rọ lợn, tẩn mẩn đấu từng cái bóng điện bên trong. Mấy ông hàng xóm thấy vậy cũng xúm vào, mỗi người một tay quấy hồ, dán giấy. Chừng một tuần lễ, trước cửa quán lòng lợn nhà Dần xuất hiện một con cò trắng tinh, cao bằng nóc nhà Dần, hai cánh vươn ra vừa thanh thoát vừa ngạo nghễ. Cái xe bò có rèm vải phủ xung quanh, tiếng máy nổ rì rì, đèn hoa sáng rực. Dần lại nắn nót cầm bút kẻ một hàng: THIẾU NHI THÔN TIÊN LỦNG VUI TẾT TRUNG THU. Vợ Dần bảo: “Sao không viết chữ lòng lợn tiết canh, quảng cáo luôn thể”. Dần quắc mắt: “Ông thì tát cho. Ai lại đi bôi bẩn lên niềm vui của bọn trẻ con bao giờ”. Trẻ con cả thôn kéo đến, rộn ràng còn hơn cả tết. Người lớn bảo nhau: Nhất chú Dần.

Trung thu năm ấy, trẻ con thôn Tiên Lủng chính thức có danh sách trong đoàn diễu hành của thành phố. Không ai còn để ý đến cái tính keo kiệt của Dần. Ngày tháng lại trôi đi. Mỗi sáng, Dần lại thong thả thái những miếng lòng xe điếu, giòn, ngọt và trắng như một nghi ngờ (* ).

(* ) Chữ của Thạch Lam

Cái bể nước

Tôi biết Ngán từ cái thời phổ thông trung học. Ở trường, Ngán nổi tiếng là công tử con nhà giàu. Những năm tám mươi, áo lông, quần bò cùng cái xe đạp Vĩnh Cửu của Ngán mặc sức mà tung hoành trong ánh mắt ngưỡng mộ của những cô nữ sinh cùng trang lứa. Mà chả cứ gì đám con gái, cánh con trai chúng tôi cũng mắt tròn, mắt dẹt, nhiều thằng ghen tị ra mặt.

Ngán biết cái sức mạnh của mình, và tận dụng khá triệt để cho những mối tình ngẫu hứng đầy nước mắt nữ sinh. Ấy thế nhưng chẳng có bất kỳ hậu quả gì nghiêm trọng. Ghê gớm lắm cũng chỉ nghe đâu đó cái câu: Thằng đểu! Ngán chẳng mảy may phiền lòng, chỉ cười lên ha há, cái cười nghe đến lạ.

Công tử là vậy, nhưng có một điều ít người biết, đó là Ngán thiếu cái gọi là hào hoa. Có lẽ Ngán kế thừa được kiểu tính toán truyền thống của một gia đình ba đời làm kinh doanh nên Ngán có khả năng...đếm tiền trong túi của mình 1 cách vô cùng chính xác. Từng điếu thuốc lá Viên Chăn, từng cốc chè đỗ đen nơi quán giải khát đều được Ngán đưa vào kế hoạch chi tiêu cụ thể. Trong các cuộc giao du tụ tập bạn bè, Ngán sòng phẳng một cách triệt để, như nhát cưa của một người thợ mộc lành nghề theo phương châm: không đãi ai và cũng không cần ai đãi mình, mặc cho bề ngoài, Ngán luôn tỏ ra coi thường vật chất một cách... sâu sắc. Cái từ cửa miệng Ngán hay dùng là: Hợp lý.

Trượt đại học, Ngán vào Nam, quyết tìm học một cái gì đó cho nó...xứng tầm. Ấy là theo như lời mấy đứa bạn kể lại. Cũng phải thôi. Nhà Ngán có điều kiện, Ngán muốn học gì bố mẹ chả phải chiều, miễn tránh xa chữ nghĩa, bởi tôi biết chắc lực học của Ngán nó ở cái tầm nào.

Bẵng đi có đến hơn hai chục năm...

Tôi gặp lại Ngán trong 1 quán cà phê rìa thành phố. Không khó để nhận ra nhau. Ngán vẫn phong độ như ngày nào, điệu đàng, chải chuốt từ mái tóc vuốt keo đến đôi giày hàng hiệu.

- Tưởng trong Nam? - Tôi hỏi.

- Mới ra. Chán bỏ mẹ! Giờ mày làm gì? - Ngán hỏi.

- Thì... làm thơ.- Tôi nửa như đùa.

- Kinh doanh gì không?

- Không.

- Nghèo nhỉ!

Chuyện chỉ có thế. Nhạt nhẽo và vô duyên.

Thế rồi lại bẵng đi một thời gian dài. Cho đến khi tôi nghe tin Ngán chết, vì một lý do lãng nhách và...hợp lý.

Chuyện là thế này.

Một thời gian dài vào Nam, cho dù có tính toán hợp lý đến mấy, nhưng cái sự “lăn lộn học hành” một cái gì đó cho xứng tầm của Ngán đã khiến cho cả gia sản của bố mẹ chỉ còn lại cái nhà rỗng. Mấy bà chị gái lấy chồng tứ tán mỗi người một phương, nhà Ngán chỉ còn 2 bố mẹ già đã không thể làm nổi một con tính cộng, nói gì đến việc kinh doanh. Ngán trở về Tuyên là... hợp lý. Ba nhăm tuổi đời, không nghề nghiệp. Ngán buộc phải tính toán chi ly từng hạng mục chi tiêu để có thể vừa sống, vừa chăm sóc hai bố mẹ già từ cái khoản lãi suất tiết kiệm mà các cụ khi còn tỉnh táo đã kịp gửi vào ngân hàng. Ấy vậy nhưng Ngán vẫn rất phong lưu, sáng vẫn ra quán nhâm nhi ly cà phê mà bàn chuyện thế sự. Bạn bè bày cách làm ăn, Ngán xua tay: “còn sớm chán!”. Bạn bè có ý chê cái sự ì, Ngán khùng: “Mày thì đã là gì, mày làm vài năm nữa mới chỉ bằng tao bắt đầu..vv”. Rồi đám bạn cũng lảng dần, phần vì những mơ mộng trên giời của Ngán, Phần vì cái phương châm: không cần ai giúp thì cũng chẳng giúp ai cái gì, phần nữa vì cái thói công tử khinh người cố hữu không chịu bỏ. Ngán vẫn coi thường vật chất một cách..sâu sắc như ngày nào, nhưng ít người biết, khi muốn ăn phở, Ngán xách cặp lồng ra quán, nèo người bán cho thêm ít nước, có khi mấy cục xương đã hầm nhừ. Về nhà, Ngán chắt bớt nước một cách...hợp lý, để dành tối nấu bát mì tôm. Nếu là cháo thì cứ phải là cuối nồi, đặc sệt Ngán mới thèm chìa cặp lồng. Đương nhiên, phần cháo ấy sẽ nhiều gấp đôi, nếu thêm nước mà đun lên. Hợp lý!(Chuyện này do mấy bà hàng xóm lâu năm cạnh nhà Ngán cung cấp). Vân vân và vân vân...

Một ngày đẹp trời, Ngán gọi thợ hồ bẩy cái nền bếp, hì hụi đào một cái hố vuông vức như hố tôi vôi, sâu lút đầu người. Hỏi, ra là Ngán xây cái bể ngầm chứa nước sinh hoạt. Cái bể có khối lượng dễ đến hơn chục mét khối, láng xi măng nhẵn thín, vững chãi như một cái lô cốt ngầm, có gắn máy bơm để bơm ngược lên téc nước đặt trên tầng 3. Ấy cũng là cái sự bình thường, chả nói làm gì. Nhưng cái sự không bình thường là ở chỗ vòi nước chảy vào bể, Ngán nghiên cứu rất kỹ càng rồi để chế độ nhỏ giọt, tí tách như cái phin cà phê buổi sáng mà Ngán vẫn thường nhâm nhi. Lại hỏi, mới biết ở cái chế độ nhỏ giọt này, đồng hồ nước nó...khinh  không thèm chạy. Ngán lấy làm tự hào lắm, cứ mỗi ngày thấy cái bể nước đầy thêm một chút, Ngán như cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh, thấy mình hơn hẳn dân tình ở cái đầu biết lợi dụng kẽ hở của khoa học kỹ thuật. Chẳng biết phải mất bao nhiêu lâu cái sự nhỏ giọt ấy nó mới đầy bể, chỉ thấy Ngán gật gù bên ly cà phê: Hợp lý.

Thế rồi đến một hôm, Ngán đương lim dim thưởng thức những tia nước ấm nóng từ cái vòi sen Nhật Bản trong nhà tắm thì bỗng thấy thoang thoảng một mùi gì đó như mùi chuột chết. Lúc đầu còn mơ hồ, càng về sau càng đậm đặc. Sang đến ngày hôm sau thì cái mùi xú uế xông lên nồng nặc không thể chịu nổi. Ngán tẩn mẩn kiểm tra tất cả hệ thống nước trong nhà, từ cái vòi rửa bát đến cái xịt toa lét, rồi cuối cùng, không khó để tìm ra nguyên nhân chính là từ cái bể nước ngầm. Do sơ sểnh khâu đậy nắp thế nào mà con mèo mướp nhà hàng xóm nó đã được thủy táng trong đó tự bao giờ. Ngẩn ra có đến mươi phút, Ngán mới đưa ra được cái quyết định...bất hợp lý là phải tháo sạch nước bể, tháo sạch công sức của bao nhiêu ngày chờ đợi những giọt nước quý hiếm chảy vào với vận tốc của cà phê. Ngán lắp máy bơm, ngơ ngẩn nhìn dòng nước tuôn ra ống cống mà cứ ngỡ như máu mình đang chảy ra ngoài, nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Nước cạn, Ngán bắc thang, dòng cái bóng điện 100W mò mẫm đi xuống. Xác con mèo mướp đang phân hủy nằm trong góc bể cuối cùng, nhớp nháp, thối hoăng. Cái bể lạnh lẽo, trơn trượt, mờ mờ tối như con mắt ma quái nuốt chửng lấy Ngán. Ngán với tay kéo bóng điện lại gần hơn, trong đầu thoáng nghĩ đến việc phải đậy cái nắp bể sao cho cẩn thận. Một giây xao lãng, Ngán trượt chân. Cái bóng điện 100W rơi thẳng xuống đáy bể xi măng trơn ướt, phát ra một tiếng động nhỏ gọn và chết chóc...

Tết này là tròn bảy năm Ngán từ bỏ cõi nhân gian đầy rẫy những cái bất hợp lý này.

Xe chở gió ảnh 2Cứ như Đinh Công Thủy đang định tổng kết lại những mẫu người thú vị - theo nghĩa cuộc đời họ có một cái mùi vị nào đó thật đáng nhớ - mà anh đã biết. Anh đã lặng lẽ quan sát họ, theo cách quan sát tinh tế của nhà văn. Đó có thể là một người siêu tiết kiệm, một ông bán lòng lợn yêu trẻ, hay một anh lái xe có tính bao la.

Tôi bảo Đinh Công Thủy rằng đây là những truyện ngắn nhỏ nhắn. Anh không đồng ý, và gọi chúng là các tạp văn. Thôi thì tùy anh vậy.               

L.A.H

MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.