Mưa suốt tháng giêng

Minh họa. Phong Nhi.
Minh họa. Phong Nhi.
TP - 1. Một người ngồi lì trong bóng tối bị chuột ăn mất bóng. Một người đi qua nghĩa địa tự dưng đứng lại cười với những chiếc răng chết cũng đang cười trong đất.

Thế đấy, ý nghĩ cứ lung lộn trong đầu khi tỏ khi mờ trong một ngày dài giêng hai rét buốt, cái cảm giác phi thời gian, phi không gian, phi văn phạm để chẳng có ai là chủ định, chủ thể gì cả, tôi, hắn ta và nàng, cứ thế trong một ngày dài tạm thời nhân vật xưng tôi cứ muốn gào lên rằng ta đang lạc vào ma trận của sự mất tự chủ, chẳng hạn những ý tưởng về sex một cách nghiêm túc như một dục vọng chính đáng để dâng hiến cho đối tượng, để thỏa mãn sinh lý bản năng một cách thánh thiện cũng là để tái tạo giống nòi lại biến thành những ý tưởng loạn luân, phi luân còn nói chi đến việc ai đó có thể tự chủ trong việc bài tiết. 

Nàng ở đó, nàng đang tắm, tất nhiên là trong phòng tắm ở nhà một người bạn - chỗ tụ hội đầu năm, đến hẹn lại lên của cả nhóm Bút Mới thời tuổi teen ở trường huyện. Nàng đứng dựa vào tường, tóc còn ướt. Chao ôi sự ướt, chỉ mới thoáng hiện đã liên tưởng đến môi, đến lưỡi, sự mềm mại của eo lưng, sự láng mượt của mông đùi, của miền đồi cỏ thơm rồi đến nơi Paz gọi là giếng thẳm, là khoé môi độc ác, là lò nướng bánh tế thần mà hễ ai dính líu đến nó đều phải mang số phận mình ra mà hiến tế.

Ừ nhỉ, chỉ nghĩ đến đó thôi thì thoắt nàng là em gái, là mẹ, là tình đầu một ngày xa lắc tóc xanh heo may tay “níu vai cầu cũ” tiễn người đi về phương Nam mong làm rạng rỡ thân danh, bạn bè cứ vừa cay cay khoé mắt vừa xiêu vẹo môi cười “người đi sợ nhất người quay lại”. Mà người quay về thật, mấy mươi năm mới có một ngày sao anh không là em, sao bạn không là mình ai cũng tay trong tay, máu trong máu, tim cùng nhịp đập cùng trong một mối giao cảm diệu kỳ, diệu kỳ như người học Phật đã đạt đến trạng thái “tha tâm thông”. Chừ thì thưa với đấng nhiệm màu con là người hay rượu nhưng lúc này không phải con say thấy gà hoá cuốc nhưng có lẽ con đã mắc chứng nhiễu tâm đa nhân cách, vâng chỉ trong một thoáng chốc thôi con thấy con là nàng, Người thì cứ tính đó là một sát na, ti tỉ nhỏ, siêu nhỏ, nghĩa là đối lập cực lớn y như biển cấm xe siêu trường, siêu trọng qua cầu nhưng cây cầu ngày ngày vẫn oằn mình gồng gánh xe qua mà trên loa phóng thanh những người có trách nhiệm cứ bảo rằng cầu ơi cầu ráng đợi thêm chút nữa. Sao có người lại liên tưởng một cách lãng xẹt như thế, không biết. Đã nói con bị bệnh nhiễu tâm mà. Con là nàng, con biết lúc này đây nàng đang lo âu, con xin lỗi, nàng đang lo cho thằng bé con nàng đang ở trong quê với ngoại suốt cả năm trời nay nàng chưa gặp, nàng cũng đang nghĩ về hắn - cha của thằng bé - cái thằng ba hoa chích choè sở khanh một cách cổ điển, mẫu mực với bao lời hứa đội đá vá trời mà cuối cùng cũng không thể chia tay với mụ vợ già vì cái ghế, cái ghế phấn đấu trong bao nhiêu năm bao nhiêu lần sứt đầu mẻ trán để chừ cứ như một con chiên ngoan đạo hối lỗi lấy tay đấm ngực thình thình tự nhận mình hèn “thân kia cứ để hình kia sai khiến” đến mức bạn bè cũ gọi là hèn vĩ nhân.

Nàng cứ coi hắn là người khuất mặt, rồi nàng lại nhủ ừ thôi thì gắng chịu đựng với Y. dẫu thế nào đời nàng cũng đã neo đậu ở một bến sông, một vụng nước kín phẳng lặng, bình yên, nàng và Y. đã đầu ấp tay gối, đã có bé Thy. Hôm trước gặp lại thầy giáo cũ, thầy bảo đời em cứ vận vào câu “hồng nhan đa truân”, em ơi tài sắc làm chi cho khổ, mới tí tuổi đầu chanh cốm đã có bao chàng đeo đuổi, trong đám ấy có cả anh hùng lẫn thảo khấu, biết đâu là đục, biết đâu trong. Cuộc đời thật lạ lùng. Y. yêu nàng, thì đã hẳn. Y. bỏ qua chuyện trai tân lấy gái nạ dòng nhưng Y. lại dần hiện nguyên hình khuôn khổ không rách rời chắp vá là tay đàn ông ích kỷ như bao người, Y. không thích thằng bé. Khổ. Thằng bé thi thoảng nhờ điện thoại hàng xóm điện đến nhà nói như van vỉ “cho con gặp em Thy, con nhớ em Thy lắm, mẹ ơi sao mẹ không cho con đến nhà mẹ chơi, con nhớ mẹ lắm”. Y. cứ dằn dỗi, đá thúng đụng nia đôi lần nổi nóng quát thằng bé “em chi của mày, đồ con hoang, mày biết mấy giờ rồi không, để cho người ta nghỉ trưa với chứ, ba mày dạy mày du côn thế hả”. Chậc, bao nhiêu đòn lời nàng chịu được hết nhưng thằng bé hồn nhiên trong sáng như thế tâm hồn dễ vụn vỡ biết bao. Hôm qua thời sự trên ti vi đưa hình ảnh những đứa trẻ vùng núi Hà Giang bị bọn buôn người đột nhập biên giới giết cha mẹ rồi bắt cóc các em bán sang Tàu, nghe đâu mới chỉ có năm em trong số hai mươi ba em bị bắt được công an Trung Quốc tìm giúp rồi trả về Việt Nam. Ôi những đôi mắt trẻ thơ “con yêu mẹ bằng ông trời, rộng lắm không bao giờ hết...” mỗi lần đón con ở trường nghe lời hát ấy gan ruột nàng đòi đoạn, muối xát, cứ sợ mất con bất cứ lúc nào. Những lần họp mặt bạn cũ nàng sợ nhất là ai đó nhắc chuyện cũ hay kín đáo hỏi thăm về thằng bé.

2. Làm sao mua con đường dài để được vừa đi vừa nghỉ, lắm lúc câu thơ của nhà thơ lập dị kia vô cùng chí lý. Con đường đi của một đời người là dài hay ngắn cũng tuỳ, vui thì ngắn chẳng tày gang, buồn thì đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Làm sao hiểu được, liễu ngộ được cảnh vơi đầy thế gian kia là mộng huyễn để tâm hồn an nhiên tịch mịch nhẹ nhàng. Ừ thì cũng có những lúc tưởng gặp được những sớm chiều như thế thật. Một buổi sớm có gió mát có sương mai có nắng hồng có người con gái hẹn ta về ngồi trên cỏ triền đê nghe dòng sông hát. Đúng là buổi sớm thái hoà của một đời người. Một buổi chiều nâu úa lá ngồi góc quán với một ly chanh rum nghe giọng trầm khàn của ca sĩ già Vern Gosdin hát “I m still crazy” mê đắm nồng nàn, tôi cứ điên khùng vì thương nhớ trong đĩa nhạc Alone mà buổi nhá nhem nàng kín đáo tặng riêng anh. Đường của anh là một ngõ vắng vừa tường minh vừa mù mịt như tháng năm đều đặn không thay đổi, con hẻm số 37 dãy nhà số lẻ 1,3... bên phải,  dãy nhà số chẵn  2,4...  bên trái từ ngoài vào, cứ thế, cứ thế nếu như không có lời ký thác về số phận thằng bé của nàng “anh giúp em, em biết chỉ có anh mới giúp được em. Thằng bé bệnh rất nặng. Em nó cũng đang nằm viện vì hở van tim. Trăm sự nhờ anh”. Như thể là chuyện nhờ cậy thời sinh viên trai trẻ anh đã phải dối cơ quan, dối vợ, tắt hết điện đài liên lạc, anh - ngoài vùng phủ sóng của tất thảy - rằng để đi thăm một người bạn đang bị ung thư giai đoạn cuối, xin nghỉ cả phép năm để về quê nàng lo cho đứa con côi cút của nàng. Kin, tên cậu bé. Cầm bệnh án của cậu bé, nghe bác sĩ nói riêng, anh đã run tay, hoa mắt, ù tai khi biết một cái chết đã được báo trước, Kin bị ung thư máu. Thời hạn của Kin ở cõi sống là chưa tròn tháng. Bác sĩ bảo rất tiếc, rất tiếc, trong điều kiện nước nhà, điều kiện điạ phương là không thể... Việc có thể của anh là bằng mọi cách như liên lạc với những địa chỉ thân quen, những nhà hảo tâm, bạn bè. Kin được lọc máu, được hỗ trợ điều trị, được một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ... Kin nói “con biết mẹ con cũng đang lo cho em con, em con cũng đau nặng lắm, con thương mẹ con lắm”. Kin được gặp mẹ gần hai giờ đồng hồ ở bệnh viện. Kin khoe với mẹ con được chú John cho máu, mẹ thấy da con đen không vì chú ấy là người Mỹ đen đó mẹ, con nhớ em Thy quá. Lần này thì anh sợ nước mắt thật, sợ cảnh tử biệt sinh ly và rằng cuối đường nào rồi cũng như mây bay, như mộng huyễn, cũng nấm đất lạc loài hay tro bụi xác xơ.

3. Như thị ngã văn. Câu thường gặp trong các kinh Phật khi các môn đệ của Ngài chép kinh. Tôi nghe rằng như vầy... Câu nói này cứ trở đi trở lại trong đầu.

Bà Tám bán chè tươi ở chợ Mai cây Cốc nói thằng bé Kin tội lắm. Trước lúc mất nó ngồi xe lăn xin ông ngoại đẩy nó đi chào hết bà con chòm xóm, chào bạn bè cùng lớp, nó nói nó sẽ chết nay mai nó mong ai nấy đều khoẻ mạnh, bạn bè thì học giỏi. Nó nói chú Ba Búa đừng uống rượu say về đánh cô Ba nữa, nó nói nó sẽ phù hộ cho bà Tám trúng vé số để khỏi còng lưng bán lá chè xanh, phù hộ cho ông Năm, ông nội bạn Nguyên từ trại dưỡng lão về lại nhà, có tiền chuộc lại đất mà ba Nguyên đã bán...Nó nhỏ mà sao cứ biết hết bao nhiêu là chuyện, toàn những chuyện buồn của làng của xóm...

Ông ngoại dắt chiếc xe đạp cũ, chiếc xe trật cóc, trên ba ga xe đạp là chiếc quan tài nhỏ có hai thanh gỗ gác làm đà, còn anh thì đẩy nhẹ sau xe. Mưa rét chắc kéo dài đến hết giêng hai. Sau anh, cô giáo chủ nhiệm lớp 4B khóc tức tưởi cùng hai chục đứa bé lập bập chạy theo sau, vừa chạy vừa đưa tay quệt nước mắt. Lúc nàng có mặt ở huyệt mộ thì nhân dáng đã như người cõi âm, u mê vì đau đớn. Tiếng “con ôi, con ôi” anh nghe rõ là một giọng mà như lối tán tụng nhiều giọng của hàng chục nhà sư tụng niệm ở trai đàn.

4. Như thị ngã văn...

Đêm đó có người đi dọc con sông, đi từ bến Cô Mưa lên đến đập Nước Hai thì quay về nghĩa địa Cầu Sấm vừa đi vừa hát vừa đi vừa khóc

Mẹ ơi buổi trưa nhà ngoại trời mưa

Dì út hát bong bóng phập phồng

Con đi ra đồng Cỏ Ngút

Mẹ ơi cỏ che hai con mắt

Con mất mẹ rồi

Vang vang đồng chiều nghé ơi nghé ọ

Con ra ngoài lộ đất

Nhớ ngày mẹ đi bước nữa

Con chạy sau xe

Mẹ đi sao mẹ không về

Buổi trưa nào hàng xóm cũng hát ru em

Gió đưa bụi chuối sau hè

Chiều lại chiều con nhớ

Con ra sông một mình chạng vạng bóng tre

Con gọi đò, đò đâu chẳng thấy

Như một ảo ảnh, từ chân mây mặt nước khuôn mặt của nàng, của bé Kin dâng lên, dâng lên. Nàng thì đôi mắt mở to, tóc gió bời bời, bé Kin thì đầu trọc lóc đội chiếc cầu vồng bảy sắc trong mưa.

Mưa suốt tháng giêng ảnh 1
Bốn mảnh truyện nhỏ với các góc tiếp cận khác nhau. Nhân vật cũng như thay đổi với danh xưng khang khác? Nhưng tất cả hợp lại, tương tác, ánh xạ với nhau thành một truyện ngắn hàm chứa nhiều hơn một câu chuyện.

Những đứa trẻ với ánh nhìn trong trẻo, đủ sức khiến không chỉ các nhân vật người lớn trong truyện mà thậm chí cả người đọc thấy tội lỗi.

Phùng Tấn Đông được biết nhiều như một nhà thơ cách tân và đầy ám ảnh. Anh còn viết văn và phê bình nghệ thuật.

L.A.H

MỚI - NÓNG