BOT Cai Lậy “thất thủ”: Bộ GTVT khẳng định đặt đúng vị trí, bảo vệ thu phí

Cảnh hỗn loạn tại BOT Cai Lậy. Ảnh: Nhật Huy.
Cảnh hỗn loạn tại BOT Cai Lậy. Ảnh: Nhật Huy.
TP - Trước tình hình căng thẳng tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), ngày 1/12, Bộ GTVT có thông tin chính thức khẳng định rằng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Bộ này cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, trước khi thu phí trở lại (ngày 30/11), Ban chỉ đạo Tây Nam bộ có văn bản đề nghị các địa phương có biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự và ATGT. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã có chỉ đạo cụ thể.

Bộ GTVT cũng lý giải các nội dung đang gây bức xúc tại dự án. Về vị trí trạm thu phí, Bộ GTVT cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe có kinh phí đầu tư quá lớn, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên Quốc lộ 1 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tốc độ khai thác thấp hơn 60km/h do đi qua đô thị. Với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 vẫn phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn.

Nếu đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu thì tốc độ khai thác tuyến tránh cho phép đến 80km/h. Như vậy, chỉ còn phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên Quốc lộ 1 hiện hữu.

Cũng theo quan điểm và tính toán của Bộ GTVT, phương án chỉ đầu tư xây dựng và thu phí tuyến tránh có ưu điểm (chỉ thu phí phương tiện trên tuyến tránh) nhưng không hạn chế được phương tiện đi qua thị trấn Cai Lậy, gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Bộ GTVT cho biết, vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy đáp ứng đủ khoảng cách 70 km so với trạm khác. Về mức giá, Bộ GTVT khi đó đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư tiến hành giảm giá dịch vụ tại trạm với mức giảm 30% cho tất cả các phương tiện qua trạm; giảm tối đa (100%) cho các phương tiện loại 1 và loại 2 tại 4 xã lân cận.

Người dân muốn yên ổn làm ăn

Sau khi bắt đầu tái thu phí được gần 18 giờ (9 giờ sáng 30/11 đến 2 giờ 30 phút ngày (1/12) BOT Cai Lậy ở Tiền Giang đã 3 lần “thất thủ” phải xả trạm do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ tài xế.

Như Tiền Phong đã thông tin, BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí trở lại sau hơn 3 tháng tạm ngưng, tuy nhiên chưa đầy 18 giờ hoạt động (từ 9 giờ ngày 30/11 đến 2 giờ 30 phút ngày 1/12) giao thông qua trạm ùn tắc nghiêm trọng phải xả trạm 3 lần, kéo dài ngừng thu phí. Các tài xế sử dụng “chiến thuật 25-1” khi qua trạm là đồng loạt đưa tiền 24.500 đồng và 3 tờ tiền 200 đồng, tổng cộng 25.100 đồng để trả mức phí 25.000 đồng qua trạm thu phí. Nhóm này nhất quyết buộc các nhân viên trạm phải đưa lại đúng 100 đồng tiền thừa, nếu không sẽ không đi. Chỉ trong ít phút, giao thông bị tê liệt hoàn toàn, tranh cãi xảy ra gây cảnh hỗn loạn, các phương tiện ùn ứ kéo dài hàng km buộc phải xả trạm. Tài xế Đặng Minh Trí ngụ huyện Cai Lậy cho biết, anh là người đầu tiên dùng “chiến thuật 25-1” để qua trạm. Đồng thời, anh cho biết, vẫn còn các phương án khác khi BOT Cai Lậy thu phí trở lại nhưng đang giữ “bí mật”.

Chiều 1/12, chia sẻ với phóng viên Tiền Phong nhiều tài xế bày tỏ sự bức xúc về việc lực lượng công an tỉnh Tiền Giang đã can thiệp “trấn áp” các tài xế trong chiều 30/11, đồng thời, cho biết nếu các ngành chức năng không sớm giải quyết dứt điểm vụ BOT Cai Lậy thì họ sẽ đồng loạt gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ.

Anh Trịnh Hoàng Hải (ngụ Cần Thơ) bày tỏ: “Chúng tôi là dân làm ăn, đâu có phạm pháp gì. Bây giờ cứ tiếp diễn như vậy hoài rồi làm kẹt xe gây ảnh hưởng cho công việc làm ăn”.

Cũng theo anh Hải, anh thường xuyên chở hàng xuất nhập khẩu qua trạm thu phí này. Ngày 30/11 kẹt xe đã làm trễ một container hàng khiến cảng lưu công nên Cty anh phải chịu thiệt hại không nhỏ. “Không riêng gì Cty tôi mà cả nền kinh tế miền Tây này đang gặp rất nhiều khó khăn vì trạm BOT này. Chúng tôi mong muốn yên ổn làm ăn chứ không muốn đấu tranh hoài như vậy” - anh Hải bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Phan Đăng Hữu– Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết, theo quy định, việc sử dụng đồng tiền Việt Nam để giao dịch thì không vi phạm pháp luật và trường hợp các tài xế sử dụng tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy cũng vậy. Hơn nữa, các đồng tiền mệnh giá 100 đồng, 200 đồng,… hiện tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam vẫn đang lưu hành. Nếu như người dân đã tuân thủ mà vẫn bắt giữ họ là vi phạm pháp luật. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính không đúng thì tài xế có quyền khởi kiện.

Chiều 1/12, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, sau khi rà soát tất cả các quy định hiện hành thì thấy rằng các thủ tục đầu tư dự án BOT Cai Lậy là đúng pháp luật. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ GTVT thì trạm Cai Lậy nằm trong dự án tuyến tránh Cai Lậy chứ không phải nằm ngoài. Việc đầu tư dự án này đã có sự đồng thuận của địa phương, gồm HĐND tỉnh, UBDN tỉnh và đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang. Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và nhân dân trong vùng, tiến hành giảm giá dịch vụ tại trạm: giảm 30% cho tất cả các phương tiện qua trạm; giảm tối đa (100%) cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của tại 4 xã lân cận. Chúng ta cần có cách thuyết phục, tuyên truyền để nhân dân ủng hộ việc này.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.