Sáng 3/12, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ ngành về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và có hiệu lực từ 1/1/2021.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng lưu ý, có 30 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nguy cơ nợ đọng. Ngoài ra còn có 38 đề án nợ đọng, 99 đề án khác cũng phải hoàn thành trong năm nay.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiệm kỳ này, Chính phủ ưu tiên quan tâm đôn đốc hoàn thiện thể chế, không để nhiệm vụ nào không được thực hiện, nợ đọng.
“Từ chỗ trước khi Tổ công tác thành lập, số nhiệm vụ nợ đọng chiếm đến 25%, thì đến thời điểm này, nợ đọng chỉ còn 1,8%. Nếu các bộ, cơ quan không cố gắng, để số văn bản, chương trình nợ cao là không ổn, ảnh hưởng đến kết quả chung của Chính phủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cứ ngồi nhà chờ Bộ nội vụ à?
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, trong số các văn bản Bộ Công an còn nợ đọng có nghị định về công xã, thị trấn chính quy, Bộ Tư pháp đã thẩm định gửi về Bộ Công an tiếp thu nhưng Bộ Nội vụ chưa trả lời.
“Vì vậy chúng tôi chưa có cơ sở để trình. Sau khi Bộ Nội vụ trả lời,chúng tôi sẽ báo cáo và trình Thủ tướng ký ban hành. Nếu hoàn thành nghị định này thì chúng tôi không còn văn bản nào nợ trong năm 2020”, tướng Hùng hứa trong tháng này, Bộ Nội vụ trả lời sẽ trình nốt và không nợ đọng nghị định nào của Chính phủ.
Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi: “Ông cứ ngồi nhà chờ Bộ Nội vụ à?”. Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho biết, đã giục Bộ Nội vụ nhiều nhưng chưa thấy trả lời.
Thiếu tướng Hùng giải thích thêm, Quốc hội chưa thông qua Luật Lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, nhưng nghị định về công an xã, thị trấn chính quy thì vẫn cần thiết. Đây là quy định riêng về lực lượng chính quy đã đưa 100% công an xã chính quy.
Hiện đang vướng về chế độ chính sách công an xã chính quy, trong đó cả điều tra, vì công an phường có chức năng điều tra, công an xã trước bán chuyên trách thì khác. Vì vậy cần sớm điều chỉnh việc này cho phù hợp.
“Chúng tôi rất mong, công an chính quy phải có chức năng điều tra, phải có nghị định sớm để chúng tôi tiến hành”, tướng Hùng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo việc này. Ngày 28/10, VPCP đã có công văn đề nghị Bộ Nội vụ có ý kiến và trả lời trước ngày 9/11, nhưng đến ngày 24/11 vẫn chưa có ý kiến.
“VPCP tiếp tục có văn bản đôn đốc Bộ Nội vụ về việc này. Đề nghị Bộ Nội vụ sớm có ý kiến để Bộ Công an sớm hoàn thành nghị định”, đại diện Bộ Tài chính nói.
Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn giải thích, hầu như các địa phương trong cả nước hiện đang vướng ở chỗ trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã có trưởng công an xã. Nếu thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là đưa công an chính quy về xã thì dôi dư ra những người hiện đang đảm nhiệm chức danh Trưởng công an xã là công chức xã.
“Các địa phương đang rất vướng trong bố trí những nhân sự dôi dư này đi đâu, vì số lượng không phải ít, cả nước phải gần 11.000 công chức đảm nhiệm chức vụ công an xã”, ông Tuấn cho hay.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đang phải tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là lấy ý kiến của địa phương, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về nội dung này.
Báo cáo Chính phủ tìm hướng xử lý
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nội vụ, cái gì Bộ Công an hỏi trả lời được thì trả lời, cái gì còn vướng như liên quan gần 11.000 trưởng công an xã là công chức xã ở các địa phương tâm tư thế, dôi dư thế thì tính thế nào phải báo cáo Chính phủ hướng xử lý.
“Đưa công an chính quy về công an xã là chủ trương lớn, đã có chủ trương rồi thì thực hiện , để lâu thế đưa lực lượng xuống rồi mà không rõ chức năng nhiệm vụ thì không thuận cho người ta”, Bộ trưởng lưu ý.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật (VPCP) Đinh Dũng Sỹ cho biết khi sửa Luật Công an nhân dân đưa công an chính quy xã về thì Bộ Công an phải đánh giá tác động có tăng biên chế hay không.
“Tôi còn nhớ rõ Bộ trưởng Công an khẳng định không tăng biên chế, có thể không tăng biên chế trong ngành công an nhưng lại tăng biên chế, trước hết là đội ngũ công chức ở xã. Công chức xã giờ chốt rồi, đưa công an chính quy về nó tăng lên thì Bộ Nội vụ sẽ rất khó”, ông Sỹ nói.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng khẳng định, khi xây dựng chủ trương công an xã chính quy, Bộ Công an đã đánh giá tác động trong 126.000 công an xã chính quy và khi triển khai có 44.000 công an xã nghỉ và chuyển công tác khác.
“Chúng tôi cũng tính toán hết trong đánh giá tác động. Biên chế Bộ Công an không tăng, còn hơn 80.000 công an xã là hưởng phụ cấp chứ không phải công chức xã. Công chức xã chúng tôi cũng tính toán kỹ là không tăng biên chế”, ông Hùng quả quyết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đổi mới mà không vướng mắc thì không gọi là đổi mới nên phải chấp nhận xử lý và đề nghị Bộ Nội vụ trong 5 ngày (đến 8/12) sẽ có văn bản trả lời gửi cho Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ. Sáng 10/12, Bộ Công an gửi lên VPCP.
Còn vướng mắc trong vấn đề về công an xã, biên chế và công chức xã thì sau này VPCP sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ tìm hướng xử lý.