Ứng phó đại dịch COVID-19: Khởi tố điều tra hành vi làm lây lan dịch bệnh

TPHCM đề xuất giãn cách xã hội ở những khu vực có nguy cơ cao
TPHCM đề xuất giãn cách xã hội ở những khu vực có nguy cơ cao
TP - Ngày 3/12, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TPHCM đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại TPHCM, liên quan đến ca bệnh 1342 (là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines).

Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Bộ Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM về trường hợp ca bệnh 1342 lây nhiễm bệnh cho người khác, Công an TPHCM đã vào cuộc tiến hành xác minh, điều tra và xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Trong vụ án này, Công an TPHCM sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm và các dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức trong phòng chống dịch bệnh. Về các hành vi vi phạm ở địa phương nào, địa phương đó có trách nhiệm xem xét xử lý trong phạm vi thuộc thẩm quyền.

“Khi nào khởi tố bị can, ai là bị can trong vụ án này, Công an TPHCM đang tập trung điều tra làm rõ. Vụ án này rất đặc thù, trong đó có một số cá nhân có liên quan trong khu cách ly. Do đó, cơ quan điều tra vừa tuân thủ quy định pháp luật về điều tra hình sự nhưng cũng phải tuân thủ quy định phòng chống dịch”, ông Quang thông tin.

Cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhắc lại trường hợp ca bệnh 1342 thiếu trách nhiệm với cộng đồng, không chủ động, không trung thực trong khai báo các điểm đến.

“Nguyên tắc phải xử lý nghiêm để răn đe. Trong thời gian sắp tới, lãnh đạo các quận huyện cần chỉ đạo sát sao trong phòng chống dịch bệnh COVID-19”, ông Phong nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng không tuân thủ chấp hành quy định cách ly đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tác động rất mạnh mẽ đến kinh tế TPHCM. “Cuối năm lại xảy ra các trường hợp nhiễm bệnh, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình TPHCM”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Hơn 170.000 học sinh, sinh viên nghỉ học

Ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đến chiều 3/12 trên địa bàn thành phố đã có hơn 200 trường học các cấp cho học sinh nghỉ học (hơn 170.000 học sinh, sinh viên) liên quan các ca mắc COVID-19 vừa qua. Trong đó có 8.211 học sinh nghỉ học và 663 giáo viên nhân viên được nghỉ thuộc các khối mầm non và THPT. Nghỉ toàn trường có 8 trường và 195 trường nghỉ một số khối lớp. Đối với khối ĐH-CĐ, đến nay đã cho 160.904 sinh viên nghỉ học (5.796 giảng viên, nhân viên các trường).

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu tất cả các trường học có liên quan đến các ca bệnh phối hợp với các cơ quan chức năng thống nhất, xác định thời gian nghỉ học là bao lâu để học sinh và phụ huynh yên tâm, đồng thời triển khai phòng chống dịch bệnh tốt nhất.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu cơ quan chức năng thành phố cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Đặc biệt, giao Công an TPHCM đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch COVID-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo người đứng đầu UBND TPHCM, từ đây đến cuối năm và đầu năm 2021 phải xem phòng chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ hàng đầu. “TPHCM cần kiểm soát thật nhanh tình hình dịch bệnh COVID-19 để giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua”, ông Phong nhấn mạnh.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm ký văn bản khẩn gửi 24 quận huyện và các sở ban ngành tăng cường phòng chống dịch COVID-19 sau khi ghi nhận 4 ca mắc trong cộng đồng.

Trong đó, UBND TPHCM yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để. Thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần cao nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng 3.

TPHCM yêu cầu tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.

 Học đến đâu, kiểm tra đến đó

Đối với bậc phổ thông, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, về việc kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2020 - 2021, học sinh học đến đâu, đề kiểm tra sẽ ra đến đó, đây không phải kiểm tra kết thúc học kỳ I. Các trường phổ thông sẽ tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra cuối kỳ từ giữa tháng 12/2020 đến đầu tháng 1/2021. 

Theo ông Hiếu, hầu hết các trường đều tổ chức kiểm tra cuối học kỳ theo hướng chia lớp học làm đôi, bảo đảm mỗi em ngồi 1 bàn, vừa đạt yêu cầu về giãn cách, vừa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra nghiêm túc. Riêng với những học sinh đang nghỉ ở nhà để cách ly, hiệu trưởng nhà trường sẽ linh hoạt sắp xếp để các em được làm bài kiểm tra vào thời gian phù hợp, sau khi các em đi học lại và được giáo viên củng cố những kiến thức trong thời gian học trực tuyến. 
Văn Minh

UBND TPHCM nhấn mạnh nếu dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế tham mưu UBND TPHCM thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý để không ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.